Sunday, November 1, 2009

Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh

Giỗ 2.11.2009
Giỗ 23.10.2010
Âm Lịch Ngày 16 tháng 9 năm 1792

Quang Trung Nguyễn Huệ (1753 – 1792) đại phá quân Thanh

Cuối năm 1788, nguy cơ xâm lược của quân Thanh trở thành mối đe dọa lớn cho đất nước chúng ta.

Mãn Thanh là một bộ tộc phía Bắc Trung Quốc, nhân khi triều Minh sụp đổ bởi phong trào khởi nghĩa của nông dân, quân Thanh đã tràn xuống thành lập một vương triều thống trị Trung Quốc từ giữa thế kỷ XVII (đọc thêm triều Minh sụp đổ, triều Thanh thống trị người Hán). Đến cuối thế kỷ XVIII, nhà Thanh đã đánh bại phong trào phản kháng của nông dân trong nước và mở rộng xâm lược các miền khác. Dưới triều Càn Long, nhà Thanh đạt đến độ cường thịnh nhất của vương triều này. Đây cũng chính là lúc Mãn Thanh lăm le xâm lược nước ta.

Nhà Thanh huy động một lực lượng bộ binh gồm 20 vạn (* = 200 000) quân chiến đấu và hàng chục vạn quân vận chuyển phục dịch, do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị làm thống soái. Vua Càn Long nhà Thanh ra một bản chỉ dụ trực tiếp đề ra phương hướng chiến lược cho Tôn Sĩ Nghị nhằm lợi dụng những mâu thuẩn trong nước ta để thực hiện dã tâm xâm lược. Nhà Thanh còn dự định điều động một lực lượng thủy binh để khi cần thiết, sẽ vượt biên giới đánh thẳng vào Thuận Quảng hợp với bộ binh tiến công từ Bắc xuống. Quyết tâm xâm lược của kẻ thù rất lớn, âm mưu của chúng rất nguy hiểm.

Tháng 11 năm 1788, quân Thanh chia làm bốn đạo tiến vào nước ta. Theo tính toán chủ quan của Tôn Sĩ Nghị, nhà Thanh hủy bỏ kế hoạch điều động thủy binh đánh vào Thuận Quảng. Do đó, quân Thanh xâm lược nước ta chỉ có bộ binh.

- Đạo quân chủ lực do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, qua Lạng Sơn tiến xuống Thăng Long.
- Đạo quân thứ hai do tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy, qua Cao Bằng tiến xuống.
- Đạo quân thứ ba do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy, qua Tuyên Quang tiến xuống.
- Đạo quân thứ tư theo đường Yên Quảng (Quảng Ninh) tiến vào.

Quân Tây Sơn ở Bắc Hà lúc bấy giờ do tướng Ngô Văn Sở chỉ huy, chỉ khoảng một vài vạn quân. Trước cuộc xâm lược ồ ạt và đại qui mô của quân Thanh, các đồn ải biên giới bị thất thủ. Trong nước, bọn phong kiến lại nổi dậy tiếp tay cho bọn xâm lược.

Trong tình hình bất lợi đó, Ngô Văn Sở theo chủ trương sáng suốt của Ngô Thì Nhậm, quyết định tổ chức cuộc rút lui chủ động để bảo toàn lực lượng.

Ngô Thì Nhậm vốn là quan của họ Trịnh (làm đến Thị Lang) nhưng là một sĩ phu yêu nước hiểu biết đâu là chính nghĩa nên đã sớm tham gia phong trào Tây Sơn. Ông được Nguyễn Huệ tin cậy, giao cho trọng trách cùng với Ngô Văn Sở lo liệu công việc Bắc Hà. Chủ trương rút lui của ông được tóm tắt trong câu nói "nay ta bảo toàn lấy quân lực mà rút lui không bỏ mất một mũi tên. Cho chúng ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi chúng đi…"
Nguyễn Huệ đánh giá cao chủ trương đó của Ngô Thì Nhậm: "Các ông đã biết nhịn nhục để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra ngăn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng. Kế ấy là rất đúng".

Quân Tây Sơn được lịnh tụ tập về Thăng Long. Tại đây, quân ta tổ chức một cuộc duyệt binh lớn bên bờ sông Hồng rồi rút lui theo kế hoạch đã định. Thủy binh đóng giữ vùng Biện Sơn (Thanh Hóa), bộ binh chiếm lĩnh miền núi Tam Điệp (Ninh Bình) lập thành một phòng tuyến vững chắc.

Trước khi rút lui, quân Tây Sơn đã phá hủy cầu đường, cất giấu thuyền bè và bố trí những lực lượng kiềm chế trên đường tiến quân của địch. Vì vậy, đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị từ biên giới phải mất 20 ngày mới đến Thăng Long và trên đường bị chặn đánh nhiều nơi.

Ngày 17 tháng 12, quân Thanh chiếm đóng thành Thăng Long. Thu được thắng lợi tương đối dễ dàng. Tôn Sĩ Nghị tỏ ra rất khinh địch và ngạo mạn. Hắn ra lệnh cho quân sĩ tạm thời nghỉ ngơi để chuẩn bị ăn Tết Nguyên Đán và chuẩn bị sang xuân sẽ tiếp tục tiến công.
Hắn đóng đại bản doanh ở cung Tây Long (phía Đông Nam Thăng Long) và bố trí lực lượng thành thế phòng ngự tạm thời.

Đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị đóng doanh trại ở hai bên bờ sông Hồng, giữa có cầu phao qua lại.
Phía Nam Thăng Long, hắn bố trí một hệ thống phòng ngự gồm nhiều đồn lũy mà cứ điểm then chốt là đồn Ngọc Hồi (Thường Tín, Hà Tây). Đạo quân Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), bảo vệ mặt Tây Nam thành Thăng Long. Đạo quân Ô Đại Kinh đóng ở Sơn Tây, đạo quân thứ tư đóng ở Hải Dương.

Kinh thành Thăng Long và một phần đất Bắc Hà đã bị quân giặc chiếm đóng. Tôn Sĩ Nghị buông lỏng cho quân lính mặc sức hoành hành, cướp bóc, hãm hiếp dân ta.

Bọn phong kiến trong nước cấu kết với bọn cướp nước. Bè lũ Lê Chiêu Thống bám gót quân Thanh, trở về Thăng Long. Hắn được vua Thanh phong làm An Nam quốc vương nhưng chỉ là một tên bù nhìn ươn hèn đốn mạt. Đối với quân thù thì bọn chúng quỳ lụy đến khốn nạn. Đối với dân trong nước thì chúng tàn nhẫn đến dã man. Dựa vào thế quân Thanh, chúng trả thù báo oán rất ti tiện và ra sức vơ vét thóc gạo, cướp bóc của cải để cung đốn cho hàng chục vạn quân xâm lược. Bộ mặt phản dân hại nước của bè lũ chúng đã lộ rõ.

Hằng ngày Lê Chiêu Thống đến chầu chực ở dinh Tôn Sĩ Nghị để nhận lịnh, mà thậm chí có lần hắn không thèm tiếp và đuổi về. Người dân Bắc Hà nói với nhau: "Nước Nam từ khi có đế vương đến nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như vậy".

Trước cảnh đất nước bị quân giặc dày xéo, dân Bắc Hà sôi sục căm hờn. Tất cả mọi người dân yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, đều hướng về phía Tây Sơn và sẵn sàng tập hợp lại dưới lá cờ đại nghĩa của người anh hùng Nguyễn Huệ.

Trong lúc quân Thanh đang tự đắc, tự mãn với những thắng lợi bước đầu và mải mê chuẩn bị ăn Tết, thì quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, chuẩn bị chờ đợi thời cơ, tận dụng mọi sơ hở của địch để nhanh chóng quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi.

Ngày 21 tháng 12 năm 1788 tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ được tin báo khẩn cấp của Ngô Văn Sở. Ngày hôm sau, ông làm lễ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi lập tức thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc.

Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế là tự gánh lấy trách nhiệm cứu nước trước dân tộc. Ý nghĩa đó thể hiện rõ trong bài Chiếu lên ngôi: "Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, và không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy, trẫm nghĩ phải tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mở mang núi rừng, giúp đỡ hoàng đại huynh, rong ruổi việc nhung mã… cốt ý quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa… Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, vậy mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê mà chỉ trông mong vào Trẫm".

Quang Trung dừng quân lại ở Nghệ An hơn 10 ngày để bổ sung thêm lực lượng. Lá cờ của quân Tây Sơn lúc này đã trở thành ngọn cờ quật cường và đoàn kết của cả dân tộc. Hơn bao giờ hết, phong trào nông dân Tây Sơn đang phát triển thành một phong trào dân tộc rộng rãi. Trước cảnh tổ quốc lâm nguy, hàng vạn thanh niên đã hăng hái gia nhập nghĩa quân. Lực lượng quân Tây Sơn đã nhanh chóng tăng lên 10 vạn. Lực lượng nòng cốt của quân đội đó là lực lượng vũ trang của nông dân đã trải qua mười bảy năm trời chinh chiến từ trong Nam ra ngoài Bắc, đã được tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.

Tại trấn doanh Nghệ An, Quang Trung tổ chức một cuộc duyệt binh lớn, để biểu dương lực lượng và cổ vũ quân sĩ trước khi bước vào cuộc chiến với quân thù.

Trong buổi lễ duyệt binh đó, Quang Trung đọc lời kêu gọi quân sĩ: "Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, trời nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị… Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại dân ta, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa binh đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Minh đến nay, dân ta không đến nỗi khổ như thời nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi hại, được mất ấy đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại khác. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy, ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng…"

Sau đó, quân Tây Sơn tiến ra Thanh Hóa, nghĩa quân lại được dân đón tiếp nồng nhiệt, truyền thêm sức mạnh chiến đấu. Hàng loạt thanh niên trai tráng lại nô nức tòng quân.

Người dân Thanh Hóa còn ghi nhớ bài ca dao kêu gọi thanh niên gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, trong đó có câu:

"Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà theo mẹ già"

Ngày 15 tháng 1 năm 1789 (tức 20 tháng chạp (12) âm lịch), quân Tây Sơn tập hợp ở Tam Điệp. Sau khi nghiên cứu tình hình mọi mặt, Quang Trung quyết định mở cuộc tấn công lớn nhằm tiêu diệt nhanh chóng và triệt để toàn bộ lực lượng quân địch.

Quân Tây Sơn chia làm năm đạo tiến ra theo những hướng khác nhau tạo thành một thế bao vây chiến lược dồn quân địch vào tình thế hoàn toàn bị động, bị tiến công dồn dập và bị bao vây tiêu diệt không cách nào cứu vãn nổi.

Đạo quân chủ lực do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, đánh thẳng vào hệ thống phòng ngự chủ yếu của địch ở phía Nam Thăng Long.

Đạo quân thứ hai do Đô đốc Bảo (*) chỉ huy, tiến ra Đại Áng (Thường Tín, Hà Tây) làm nhiệm vụ yểm hộ và phối hợp với đạo quân chủ lực.

Đạo quân thứ ba do Đô đốc Long (*) chỉ huy bất ngờ tiêu diệt đồn Khương Thượng rồi thọc sâu vào Thăng Long.

Đạo quân thứ tư do Đô đốc Tuyết (*) chỉ huy, vượt biển đánh vào Hải Dương.

Đạo quân thứ năm do Đô đốc Lộc (*) chỉ huy, vượt biển tiến lên chặng đường rút lui của quân Thanh.

Trước khi xuất phát, Quang Trung mở tiệc khao quân và tuyên bố: "Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang Xuân, ngày 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn".

Trước đó, trong lời dụ tướng sĩ tại Thanh Hóa, Quang Trung cũng đã nói lên quyết tâm sắt đá đánh tan quân ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

"Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng,
Đánh cho chúng chích luân bất phản,
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".

Hai câu đầu nói lên quyết tâm đánh giặc để bảo vệ độc lập dân tộc, giữ gìn nền văn hóa và những phong tục tập quán lâu đời của dân Việt.
Hai câu giữa nói lên quyết tâm đánh tiêu diệt khiến cho quân giặc mảnh giáp không còn, không một chiếc xe nào trở về.
Câu cuối nghĩa là: đánh cho chúng biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ.

Những lời tuyên bố đanh thép của vị thống soái trước giờ xuất trận càng nâng cao ý chí chiến đấu và niềm tin vững chắc của quân sĩ vào thắng lợi của cuộc chiến tranh cứu nước.


NHỮNG TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH

Đêm 25 tháng 1 năm 1789 - tức đêm 30 Tết - đạo quân chủ lực của ta do Nguyễn Huệ chỉ huy vượt sông Gián Khẩu (sông Đáy). Tiêu diệt đồn tiền tiêu trên hệ thống phòng ngự của địch mở đầu cuộc tiến công đại phá quân Thanh. Quân Tây Sơn nhanh chóng tiến lên, liên tiếp tiêu diệt các đồn quân Thanh và đuổi theo bắt gọn quân dọ thám của giặc. Đêm 28 - tức đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu - quân Tây Sơn bí mật vây chặt đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Tây) rồi uy hiếp buộc địch đầu hàng. Quân ta tiêu diệt một đồn lũy trọng yếu của địch cách Thăng Long 20 ki-lô-mét mà không tốn một mũi tên, hòn đạn.

Mờ sáng ngày 30 - tức ngày mùng 5 Tết - quân ta bước vào trận quyết chiến với địch ở đồn Ngọc Hồi. Đây là đồn lũy kiên cố giữ vị trí then chốt trong hệ thống phòng ngự của địch, bảo vệ trực tiếp cửa ngõ phía Nam Thăng Long.

Đồn Ngọc Hồi cách Thăng Long 14 ki-lô-mét, án ngữ con đường thiên lý trong Nam ra. Quanh đồn có chiến lũy bảo vệ. Phía ngoài lũy có bãi chướng ngại dày đặc gồm chông sắt, cạm bẫy và địa lôi. Lực lượng quân địch ở đây có khoảng ba vạn quân tinh nhuệ đặt dưới quyền chỉ huy của đề đốc Hứa Thế Hanh là phó tướng của Tôn Sĩ Nghị và là tướng chỉ huy toàn bộ hệ thống phòng ngự phía Nam Thăng Long. Sau khi đồn Hà Hồi bị tiêu diệt, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh tăng viện cho đồn Ngọc Hồi và thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự của mặt trận phía Nam để sẵn sàng ứng phó.

Quang Trung trực tiếp chỉ huy tấn công đồn ác liệt này.
Mở đầu trận đánh, đội tượng binh gồm hơn một trăm voi chiến của quân Tây Sơn xông vào tiến công. Đội kỵ binh thiện chiến của quân Thanh ra nghênh chiến bị tan vỡ nhanh chóng. Quân địch dựa vào chiến lũy, hết sức cố thủ. Chúng từ trên chiến lũy, bắn đại bác và cung tên ra dữ dội để cản đường quân ta. Một đội xung kích của ta đã chuẩn bị trước gồm những chiến sĩ cảm tử, dùng những lá chắn lớn (ván gỗ quấn rơm ướt) che mình xông thẳng vào chiến lũy của địch. Quân ta đột nhập vào chiến lũy, giáp chiến với quân thù. Đại quân Tây Sơn ào ạt xung phong vào trận địa với dũng khí áp đảo kẻ thù. Chính quân địch cũng phải thừa nhận rằng: "Quân Tây Sơn, hợp lại đông như kiến cỏ, thế lực ồ ạt như triều dâng".

Trước sức công phá như vũ bão và tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của quân Tây Sơn, đồn Ngọc Hồi bị san phẳng. Một bộ phận quân địch bị tiêu diệt tại trận. Bọn sống sót sau cơn bão lửa khủng khiếp đó, bỏ chạy về Thăng Long. Nhưng Quang Trung đã bố trí một lực lượng nghi binh chặn đường, buộc chúng phải dấn thân vào cánh Đầm Mực (Thanh Trì, Hà Nội) rộng lớn và lầy lội. Tại đây, đạo quân của đô đốc Bảo đã được lịnh, lợi dụng địa hình bố trí sẵn một trận địa để tiêu diệt bọn quân Thanh. Hàng vạn quân giặc bị vùi xác dưới cánh đầm đó. Bằng trận Ngọc Hồi - Đầm Mực, quân Tây Sơn đã tiêu diệt toàn bộ quân Thanh và bộ chỉ huy của chúng tại cứ điểm then chốt nhất, đập tan hệ thống phòng ngự của địch và mở toang cửa ngõ tiến vào thành Thăng Long.

Cũng vào mờ sáng ngày 30 tháng 1, đạo quân của đô đốc Long bất ngờ bao vây, tiêu diệt đồn Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) ở phía Tây Nam thành Thăng Long. Quân Tây Sơn bí mật bao vây vào lúc trời còn tối, rồi tiến công dữ dội vào đồn giặc. Người dân tại đây nổi dậy cùng trực tiếp tham gia chiến đấu. Họ dùng rơm rạ bện thành con củi, tẩm dầu đốt lửa, tạo thành một vòng vây lửa uy hiếp quân địch. Đồn Khương Thượng bị tiêu diệt nhanh chóng. Tướng chỉ huy là đề đốc Sầm Nghi Đống khiếp sợ phải thắt cổ tự tử. Hàng vạn xác giặc nằm ngổn ngang khắp chiến trường.

Tại đại bản doanh, Tôn Sĩ Nghị đang lo lắng theo dõi mặt trận phía Nam để sẵn sàng điều quân đi cứu viện. Bỗng nhiên, hắn được tin cấp báo đồn Khương Thượng bị tiêu diệt. Hắn đang hoảng hốt chưa kịp đối phó thì đạo quân của Đô đốc Long đã tràn vào thành Thăng Long và như một mũi dao nhọn, đang lao thẳng về phía đại bản doanh của hắn. Hắn khiếp sợ đến nỗi không kịp mặc áo giáp và đóng yên ngựa, vội vàng cùng với toán kỵ binh hầu cận vượt cầu phao tháo chạy trước hết. Quân Thanh tan vỡ, tranh nhau tìm đường trốn chạy. Tôn Sĩ Nghị ra lịnh cắt cầu phao để cản đường truy kích của quân Tây Sơn. Do hành động tàn nhẫn của hắn, hàng vạn quân Thanh bị bỏ xác dưới sông Hồng.

Sáng ngày 30 tháng 1, đạo quân của đô đốc Long tiến vào thành Thăng Long. Trưa hôm đó, Quang Trung và đạo quân chủ lực tiến vào kinh thành giữa sự hoan hô đón chào của dân. Chiếc áo chiến bào của người anh hùng "áo vải" hôm đó đã nhuốm đen khói súng của những ngày đêm chiến đấu ác liệt. Lá cờ đã từng giương cao từ những ngày đầu khởi nghĩa, tung bay theo bước đường thắng lợi của nghĩa quân, nay lại dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào kinh thành.

Ngô Ngọc Du là một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày chiến thắng oanh liệt đó trong một bài thơ:

"Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng.
Quân vua một giận oai bốn phương.
Thần tốc ruỗi dài xông thẳng tới,
Như trên trời xuống dám ai đương.
Một trận rồng lửa giặc tan tành,
Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến,
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh.
Mây tạnh mù tan trời lại sáng.
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta"

Trong lúc đó, Tôn Sĩ Nghị và bọn tàn quân đang chạy trốn một cách thảm hại. Khắp nơi, trên con đường chạy trốn, chúng bị chận đánh tơi bời và bị tiêu diệt gần hết. Số sống sót phải luồn rừng, lội suối theo đường tắt trốn về nước. Bại tướng Tôn Sĩ Nghị cũng phải vứt bỏ tất cả sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân.

Một tên quan chạy theo Tôn Sĩ Nghị đã thú nhận: "Tôi với Chế Hiến (tức Tôn Sĩ Nghị) đói cơm, khát nước, không kiếm đâu ra được thức ăn thức uống, cứ phải đi suốt bảy ngày, bảy đêm mới đến trấn Nam Quan".

Đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương, cũng bị đánh bại. Riêng đạo quân Thanh đóng ở Sơn Tây, tuy quân ta không tiến công nhưng cũng hoảng sợ, rút chạy về nước.

(Lịch sử Việt Nam - NXB Khoa học - Xã hội)

DIỄN GIẢI:

Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lãnh đạo kháng chiến với một nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo. Đặc điểm nổi bật của nghệ thuật quân sự đó là:

- Tư tưởng đánh tiêu diệt
- Tinh thần tiến công chủ động liên tục.
- Lối đánh thần tốc, bất ngờ, áp đảo kẻ thù, chắc thắng.

Dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, mãnh liệt là tác phong chiến đấu của quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Quang Trung.

Từ một lãnh tụ nông dân kiệt xuất nhất, Quang Trung Nguyễn Huệ đã trở thành một anh hùng dân tộc vĩ đại, một thiên tài quân sự, một danh tướng trăm trận trăm thắng.

Diệt chúa Nguyễn, đánh tan quân xâm lược Xiêm rồi tiến ra Bắc diệt chúa Trịnh, lật đổ nhà Lê, đại phá quân xâm lược Mãn Thanh, Quang Trung – Nguyễn Huệ đã liên tiếp ghi vào lịch sử dân tộc những chiến công oanh liệt, xứng danh Đại binh gia của dân tộc Việt Nam.

Chỉ trong vòng 5 ngày đêm (từ ngày 30 tháng 12 đến 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu tức từ ngày 25 đến 30 tháng 1 năm 1789), dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Quang Trung – Nguyễn Huệ đã vùng lên quét sạch 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ra khỏi đất nước. Đó là một chiến công vĩ đại và hiển hách vào bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Thắng lợi rực rỡ của chiến dịch đại phá quân Thanh là kết quả của tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân sĩ, sự tham gia ủng hộ mạnh mẽ của dân và tài chỉ huy quân sự tuyệt vời của Quang Trung – Nguyễn Huệ đã phát huy tinh thần yêu nước của dân ta, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân đội, nắm vững thời cơ, triệt để lợi dụng mọi yếu tố bất ngờ để tấn công quyết liệt thần tốc tiêu diệt một lực lượng quân địch đông gấp bội.

Thắng lợi đại phá quân Thanh có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, không những cứu nước, giữ vững nền độc lập dân tộc mà còn thêm một lần nữa đập tan cuồng vọng xâm lược của bọn Tàu phương Bắc.

Xuân năm Kỷ Dậu (1789) là xuân rực rỡ chiến công, dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ miền xuôi lên miền núi, từ già đến trẻ vui mừng, thỏa mãn tận hưởng niềm vui sướng vinh quang của chiến dịch đại phá quân Thanh với chiến thắng oanh liệt oai hùng.

VÀI NÉT TIỂU SỬ NGUYỄN HUỆ

Nguyễn Huệ sinh năm 1753 ở ấp Tây Sơn (thuộc phủ Quy Nhơn, gồm hai tỉnh Kon-Tum và Bình Định ngày nay). Tổ tiên Nguyễn Huệ (ba anh em Tây Sơn – Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) vốn quê ở làng Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) thuộc Đàng Ngoài. Giữa thế kỷ thứ XVII, quân Nguyễn có lần vượt sông Gianh bắt nhiều nông dân ở Nghệ An cưỡng bức vào khai hoang ở Đàng Trong. Tổ bốn đời của Nguyễn Huệ là một trong những nạn nhân đó, và trải qua mấy đời lao động cần cù, trở thành một gia đình nông dân khá giả ở Tây Sơn. Nguyễn Huệ thuở nhỏ có đi học và có một trình độ văn hóa nhất định.

Mùa xuân năm 1771 Nguyễn Huệ cùng với anh là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ tổ chức và lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Tây Sơn (thuộc phủ Quy Nhơn).

Khi Nguyễn Nhạc xưng vương: Trung ương hoàng đế thì Nguyễn Huệ được phong làm Bắc Bình Vương cai quản miền đất từ Quảng Nam ra đến Nghệ An.

Ngày 21 tháng 12 năm 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung để thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc đánh đuổi quân Mãn Thanh.

Từ ngày 25 đến 30 tháng 1 năm 1789, Quang Trung – Nguyễn Huệ tổng chỉ huy toàn quân phá tan hơn 20 vạn quân Thanh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc.

Ngày 16 tháng 9 năm 1792, Quang Trung –Nguyễn Huệ từ trần. Lúc đó ông mới 39 tuổi.

Quang Trung mất sớm là một tổn thất lớn cho phong trào Tây Sơn và dân tộc ta hồi cuối thế kỷ XVIII. Cuộc đời của ông, kể từ khi 18 tuổi tham gia khởi nghĩa cho đến lúc 39 tuổi từ trần là một bài ca tuyệt đẹp của người “anh hùng áo vải” đã chiến đấu kiên cường cho quyền lợi của dân tộc, cho độc lập và thống nhất của tổ quốc. Sự nghiệp của Quang Trung là sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Lý tưởng cao cả, sự nghiệp vẻ vang cùng với tài năng, phẩm chất, tính cách độc đáo của Quang Trung – Nguyễn Huệ sáng chói trong lịch sử Việt Nam.

Quang Trung – Nguyễn Huệ là người thông minh kiên nghị, trung thành một mực với dân tộc, không bao giờ lùi bước trước kẻ thù, trước khó khăn, nguy hiểm. Ông không những là một nhà quân sự thiên tài đã lập nên những chiến công thần kỳ, chỉ có thắng, không hề bại, mà còn biểu thị tài năng lỗi lạc trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.

Quang Trung – Nguyễn Huệ là người tiêu biểu cho sức sống phi thường của dân tộc, tạo nên tính chất độc đáo của giai đoạn Quang Trung, đó là giai đoạn của "áo vải cờ đào" khi người dân tự mình đứng ra đảm nhiệm sứ mạng cứu nước và dựng nước.

Dương Diên Hồng trích từ "Những đại binh gia Việt Nam"- Minh Hải, 2004.- Tr. 108 – 122

Đô đốc Bảo tên thật là Đặng Xuân Bảo, một trong 7 danh tướng nhà Tây Sơn. Có câu viết về Đô đốc Bảo như sau: "Bảo ít đọc sách, nhưng rất trung liệt và giàu mưu hơn người. Ông dùng đức để trị quân nên ai cũng theo. Đặng Xuân Bảo là một trong những người quyết chí đánh trả Nguyễn Phúc Ánh. Trong một trận đánh với quân của Nguyễn ở Thanh Hóa vào năm 1802, ông bị bắt. Đô đốc Bảo tuyệt thực rồi hy sinh.

Đô đốc Long tên thật có sách ghi là Đặng Tiến Đông, có sách ghi Đặng Văn Long, Nguyễn Tăng Long người làng Đông Thành nay thuộc xã Tịnh Thọ huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi.

Đô đốc Tuyết tên thật Nguyễn Văn Tuyết người làng Ôn Tuyền, huyện Đăng Xương, tỉnh Thuận Hóa nay là làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tương truyền, ông có sức mạnh hơn người, đánh lộn giỏi nên được tôn làm đầu nậu (đầu đảng) Tuyết đặt ra lệ rằng bất kỳ ai đến chợ mãi võ, đều phải đến ra mắt ông rồi mới được hành nghề. Nghe Nguyễn Nhạc ở Tây Sơn (Bình Định) chiêu mộ hào kiệt, ông liền lên sơn trại đầu quân. Được anh em nhà Tây Sơn trọng dụng, phong làm Tả hữu đô đốc, chuyên việc huấn luyện quân sĩ.

Đô đốc Lộc tên thật là Nguyễn Văn Lộc. Ông người làng Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình nghèo, phải đi chăn trâu cho nhà giàu. Nhân cơ duyên đi ngang qua làng, lữ khách thấy cậu bé có tư chất thông minh và phong thái khác kẻ bình thường, nên truyền dạy cho võ nghệ. Có thể nói, từ nhỏ ông đã là bậc võ nghệ cao cường. Ông là một trong Tây Sơn Thất Hổ Tướng, là danh hiệu của bảy thủ lĩnh quân sự của nhà Tây Sơn thời kỳ đầu, gồm có: Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc.

1 Thiên 千 = 1 ngàn
1 Vạn 萬 = 10 lũy thừa 4 = 10 ngàn
1 Ức 億 = 10 Vạn = 10 lũy thừa 5 = 100 ngàn
1 Cai 垓 = một vạn Vạn = 100 triệu

2 comments:

  1. so good, i hope 1 day our people make a movies for king qoan trung - nguyen hue



    thank you

    ReplyDelete
  2. Thank You for visiting my blog.
    Film "Tây Sơn Hào Kiệt" 2010.

    ReplyDelete

*********************************************************
Cảm ơn bạn đã ghé kimlong9999.blogspot.com
Bạn có yêu cầu hay ý kiến gì không?
Bạn vui lòng để lại đôi lời nhận xét để trang
ngày càng hoàn chỉnh hơn.

NHẬN XÉT SẼ CHƯA ĐƯỢC ĐĂNG NGAY !

Nếu không thích hiển thị TÊN
thì hảy chọn hồ sơ Anonymous "Ẩn danh"
rồi nhấn "Đăng nhận xét".
Nhấn thêm lần nửa nếu có thông tin báo lỗi.
KimLong9999 chúc bạn một ngày thật đẹp và vui vẻ.
*********************************************************
Thank you for your visit and welcome to our blog!
Take a moment and look around.
Let us know what you think about this blog by leaving a comment.
YOUR COMMENT NEEDS TO BE APPROVED
BEFORE IT WILL APPEAR.
THANKS EVERYONE FOR PATIENTS.
Have a nice day.
* KimLong9999 *
*********************************************************
Vielen Dank für den Besuch!
Sie können Ihre Kommentare und Anregungen hier hinterlassen.
DIE KOMMENTARE WERDEN MODERIERT
und WERDEN NICHT SOFORT ANGEZEIGT.
Bitte haben Sie etwas Geduld!
Einen schönen Tag noch...
* Bạch Kim *
*********************************************************
Merci pour votre visite!
Vous pouvez laisser vos commentaires et suggestions ici.
LES COMMENTAIRE DOIT ÊTRE APPROUVÉ AVANT D'ÊTRE AFFICHÉ.
Je vous remercie beaucoup pour votre patience!
Bonne journée.
* KimLong9999 *
*********************************************************
ご訪問ありがとうございます!
ここにあなたはあなたのコメントや提案を残すことができます。
コメントはすぐには表示されません。
辛抱してくれてありがとう。
良い一日を!
*********************************************************

Kim Bạch Kim 鉑 Thơ Đường Luật Chuyện ngắn sáng tác Chuyện vui Đố vui Phong Thủy Tin Tức

Danh Mục kimlong9999.blogspot.com

Lịch ngày Ta Phong Thủy 3 Toa Thuốc, Rượu Bổ Dương: Thốc Kê Hoàn, Thần Tiên Tửu, Thung dung Xà Sàng Tửu Trúng Số Độc Đắc Khui Luôn Jackpot Lời Than Theo Gió Nấu Ăn Kiều đoạn cuối Đố vui Video Hài Architecture Tình Sử Huyền Trân Chế Mân Tên Giang Hồ Tóm Tắt Nội Dung Một Số Phim Hay herald sun news Phim List Nhạc Việt newsweek Vị Trí Mụt Ruồi và Tướng Số Thơ Sưu Tầm Truyện Kiều đoạn đầu abc news daily mail news Tin Tức - Kiến Thức Đàn Ông Thua Chó Chuyện Vui Máy Mắt Đoán Điềm Chuyện Ngắn Kim Bạch Kim Đoạn Trường Tương Tư Anh Hùng Việt English Số Đề Korea Music Nguyễn An Kiến Trúc Sư Tài Ba Xây Tử Cấm Thành Trung Quốc Đọc và Suy Ngẫm cnn news Đồng tình luyến ái của các Hoàng đế trong lịch sử tàu Trăng thề vườn Thúy ** Phận Kiều ♥ Đường Luật Kim Bạch Kim ♥ Chung Một Mái Nhà Đoán Số Mệnh Pha Lê & Thủy Tinh Tiếng Việt Nam Bắc Con Gái Ba Miền Bắc Trung Nam Truyền Thuyết Quỳnh Hương Phụ Nữ Việt Nam Đáng Được Khâm Phục Những Món Ăn Kinh Khủng Nhứt Thế Giới Ý Nghĩa của Kim Bạch Kim - khác biệt giữa Vàng - Vàng Trắng - Bạch Kim Quang Trung Nguyễn Huệ Đại Phá Quân Thanh Cúm Heo Thuốc Ngừa và Thuốc Trị Vi Khuẩn H1N1 Tri Kỷ Chơi Cờ Uống Rượu Ý Nghĩa của Biểu tượng chính thức trang http://kimlong9999..blogspot.com Nguyệt Đùa Bạn Heo Vài Món Ăn Đặc Biệt Miền Nam - Trung - Bắc Việt Nam 21.12.2012 Ngày Tận Thế? Kim Cương & Hột Xoàn

Popular Posts

this is a Non-Profit non-commercial website Trang không vụ lợi không buôn bán Không Quảng Cáo