Đứa bé có mái tóc chỉa ra tua tủa như lá của trái thơm, ngược hẳn với tóc ngắn, chẻ đỉnh, tiêu chuẩn hóa, đồng phục hóa, quân phục hóa, tập thể hóa của những đứa trẻ cùng thời.
Đầu óc như đứa trẻ lại là người cha. Dưới mặt nạ ngụy trang, bụng bự, đầu hói, và râu mép giống râu hải mã, ông là người muốn nổi loạn.
Cùng nhau, không ai có thể cạnh tranh với cha con họ được.
Họ có những ý kiến thật ngoạn mục như khi nướng bánh quên bỏ nho khô, khi bánh chín ra lò, họ lấy súng bắn nho vào ổ bánh đã hoàn thành.
Đã có biết bao nhiêu người vẽ biếm họa, minh họa, v.v., nhưng có mấy ai có bản vẽ tồn tại lâu dài qua nhiều thế hệ như vậy?
- Vì những hình này luôn tươi trẻ, gần gũi với đời sống thật, phản ảnh được sự tuyệt vời của cuộc sống một gia đình bình thường như của chúng ta.
- Chuyện kể hài hước, là nguồn của niềm vui gầy dựng trên đạo đức.
- Tác phẩm "Cha và con trai" phổ biến nhanh chóng, được nhiều người ưa thích và được biết đến ở nhiều nước trên toàn thế giới, một phần cũng vì đa số hình minh họa, không lời, không chữ, người nước nào cũng có thể hiểu.
- Cuộc đời của người nghệ sĩ thật đau thương, nhưng hình vẽ rất sống động. Hoàn cảnh người cha trong chuyện giống như cảnh "gà trống nuôi con", suốt ngày ở nhà và có thể chơi với con hằng ngày. Nhưng sự thật thì ông không được giấy phép hành nghề.
- Qua hình vẽ của Erich Ohser, người ta cảm nhận được sự yêu thương trẻ em, đứa bé không chỉ đơn giản là "con nít", mà là người tuy nhỏ nhưng là cá nhân có cá tính rất đặc biệt.
- Một hình vẽ tuy nhỏ, nhưng qua ánh mắt, đi xuyên qua con tim của người nghệ sĩ và in dấu trên giấy có giá trị hơn là trên sáu mét vuông tô nhãm nhí, tạo thành một thứ giả dối, vô ý nghĩa.
Năm nay 2013, kỹ niệm 110 năm ngày sanh của Erich Ohser.
Erich Ohser sanh ngày 18 tháng 3 năm 1903 tại thị trấn nhỏ của tỉnh Sachsen (đông Đức), là con trai của trung sĩ hải quan.
Khi Erich 6 tuổi, năm 1909 gia đình ông dời đến thành phố Plauen (cũng thuộc tỉnh Sachsen), ông học trường tiểu học và tốt nghiệp trường dạy nghề thợ cơ khí tại đó.
Năm 1920, trái với sự mong muốn của cha mẹ, ông không học đại học ngành cơ khí mà học nghệ thuật đồ họa và in sách ở học viện công tại Leibzig, thành phố lớn tỉnh Sachsen, đông Đức. Đồng thời ông làm việc thêm tại "nhà báo mới Leibzig".
Khi còn là sinh viên, ông đã có một đường lối suy nghĩ riêng về xã hội và chính trị, nghiêng về đảng dân chủ xã hội (tương đương với đảng của Obama - Mỹ ngày nay), được phản ảnh qua hình vẽ và làm việc cho các báo nghiêng về đảng này.
Ảnh hưởng không ít đến tư tưởng của ông là hai người bạn: nhà biên tập báo Erich Knauf và nhà văn, nhà thơ Erich Kästner (vào thời điểm đó là sinh viên văn khoa tại Leibzig).
Từ đó, ba người có cùng tên Erich kết bạn thân với nhau cho đến khi cuộc đời của họ chấm dứt.
Sau khi học xong, Ohser sớm được người trong nước biết đến là một họa sĩ biếm họa.
Đặc biệt những hình biếm họa của ông về Hít-le và Goebbels (*) làm cho ông trở thành người bị bọn theo Đức quốc xã căm ghét.
Khi Goebbels bốn tuổi, hắn bị viêm tủy xương, sau đó bắp chân phải của hắn bị cong và bàn chân khoèo (equinovarus foot deformity). Mặc dù chính Goebbels bị tật ở chân như vậy nên không được nhận vào lính (đệ I thế chiến) và lùn chỉ 1 mét 65 mang biệt danh trên thế giới: "Đức teo (lùn)", nhưng hắn theo chính sách của Đức quốc xã, cực kỳ độc ác với thiểu số và những người tàn tật khác. Chính hắn đã tổ chức đốt sách của những người không theo chế độ, đốt nhà thờ của Do thái.
Khi Đức thua trận, ngày 1. tháng 5 năm 1945 Goebbels tự tử không rỏ bằng cách nào (uống thuốc độc hay tự bắn) người ta chỉ thấy đống xương của hai vợ chồng Goebbels còn cháy dở ở hầm chúng trốn bom. Trước đó, họ cho 6 đứa con của họ tuổi từ 5 đến 13 uống thuốc độc.
Hình đăng báo của Ohser, thí dụ hình vẽ một người say rượu tiểu hình "chữ thập móc", biểu tượng của Đức quốc xã trên tuyết.
Hình biếm họa đăng trên báo "Thời sự mới" năm 1931. Chữ có nghĩa: "Mày lăn đi đâu Goebbel bé nhỏ?", hình Goebbels với bước đi như nhảy nhót.
Có lẽ vì hình này mà "Goebbel bé nhỏ" vĩnh viễn không tha thứ cho Erich Ohser khi hắn lên nắm quyền sinh tử của tất cả nghệ sĩ Đức.
Đăng trên báo "Tiến lên" năm 1931.
Dịch:
Nhu cầu khẩn cấp
"tôi (cảm thấy tôi là kẻ) đê tiện trước chính tôi"
18.10.1930 ông cưới bạn cùng học khi xưa Marie Luise Imgard (Marigard) Bantzer con gái của họa sĩ, nghị viên, giáo sư Carl Bantzer. Một năm sau, đứa con trai duy nhứt Christian ra đời.
* Marie Bantzer sanh 1905 tại Dresden, mất 1999 tại Karlsruhe (tây Đức). Sau chiến tranh, bà lấy chồng kế, họa sĩ Heinrich Klumbies.
Năm 1933, khi Đức quốc xã lên nắm quyền, đó cũng là thời điểm kết thúc tương lai của Ohser, người vẽ biếm họa chính trị.
Đơn xin vào hiệp hội ký giả của ông bị từ chối, đây cũng là một hình thức cấm không cho làm việc. Từ đó về sau, vợ của ông phải làm việc để hỗ trợ gia đình.
Cuối năm 1934, Ohser xin việc tại nhà báo ở thủ đô Berlin, họ tìm người vẽ tranh kiểu chuột Micky.
Với dự thảo "Cha và con trai", ông được thâu nhận. Với điều kiện là không được vẽ hình có dính líu đến chính trị, mỗi tuần vẽ một câu chuyện ngắn để đăng trên báo, nhưng ông không được xuất bản dưới tên thật của mình mà phải dùng bút hiệu "e. o. plauen" (tên viết tắt Erich Ohser và thành phố nơi ông sống lúc nhỏ).
Ác cảm của ông đối với chế độ Đức quốc xã dần dần không thể che giấu được. Họ kể chuyện cười chế diễu chế độ.
Ngày 22 tháng 2 năm 1944 ông bị tố cáo bởi người láng giềng Bruno Schultz *, một đại úy trong quân đội của bộ tư lệnh tuyên truyền.
* Vào những ngày tháng cuối của thế chiến, Schultz bị chuyển đi chiến trường đông Âu, bị bắt và chết trong trại tù binh Liên xô vì bịnh thương hàn.
Ngày 28 tháng 3 năm 1944, Ohser và bạn Erich Knauf bị bắt và vào ngày 6 tháng 4 năm 1944 sẽ bị đưa ra tòa án nhân dân (của Đức quốc xã) xử tội. Ngay sáng ngày 6 tháng 4 năm 1944, Ohser đã đi trước bọn gian ác một bước, ông treo cổ tự tử trong ngục.
Đúng 1 năm, 1 tháng, 1 ngày sau đó, Đức đầu hàng vô điều kiện, đệ nhị thế chiến chính thức chấm dứt tại Âu châu.
Knauf bị đưa ra tòa và tuyên án tội: "vu khống, nói xấu chế độ". Vào ngày 2 tháng 5.1944 Knauf bị chặt đầu. Góa phụ, vợ của Knauf sau đó nhận được hóa đơn phải trả tiền chi phí cho tòa án Đức quốc xã, tổng cộng 585,74 Đức quốc xã tệ, trong đó có tính cả chi phí xử tử.
Erich Knauf sanh ngày 21 tháng 2 năm 1895, là nhà báo, nhà văn, và viết lời cho bài hát.
Sau này, gia quyến của Erich Knauf tìm thấy một văn bản soạn thảo cho một bài hát của ông, với nội dung một đoạn trích ra từ trong đó:
"Tôi rất hạnh phúc được sống trên thế gian này, bạn không nghỉ như vậy sao?
Ai không thích sống trong tâm tối, u mê, thì hãy cùng tôi đi về phía ánh sáng.
Thế gian, cuộc sống thật tuyệt vời, đâu là thung lũng tuyệt vọng?
Nói một cách trung thực, tôi muốn trở về thế gian này một lần nữa, thật sự rất sẵn lòng là đằng khác.
Và sẽ sống như chính tôi bây giờ."
(Kim Long tạm dịch)
Những lời trên, cũng có thể hiểu là lòng tin và hy vọng của Knauf vào sự tốt đẹp của thế giới này và sự lạc quan của con người luôn tồn tại. Mặc dù sống trong môi trường rất khó khăn về mặt chính trị, xã hội, chiến tranh, nhưng Knauf vẫn yêu đời, không hề có ý tưởng chán nãn và ông luôn giữ vững lập trường, kiếp sau cũng vẫn sẽ sống như vậy.
Nhà thơ Erich Kästner có viết một bài thơ với tựa: Hóa đơn chưa thanh toán - "eine unbezahlte Rechnung" (an unpaid invoice).
Nội dung của hoá đơn...
Chi phí trong vụ án hình sự của Erich Knauf.
Phí cho việc thực hiện tử hình: 300 Đức quốc xã tệ
Phí bưu điện, tem: 1,84 Đqxt
Lệ phí luật sư công: 81,60 Đqxt
Phí khi trong lúc bị tạm giữ từ 28.3.1944 đến 2.5.1944: 44 Đqxt
Phí hành tội, kết án, định tội: 158,18 Đqxt
Chi phí giấy, mực, bưu chính, phí kế toán: 12 Đqxt
Tổng cộng 585,74 Đqxt.
Christian Ohser kể: "Tôi ngủ khi cha tôi qua đời". Khi ông được 13 tuổi thì người cha chấm dứt cuộc sống của mình khi ấy chỉ 41 tuổi. Hôm đó, Christian bị bịnh bạch hầu và nằm sốt trên giường.
Khi nhìn hình ảnh cũ của ông ta, bạn không thể phủ nhận sự tương đồng, giống với người anh hùng nhỏ trong truyện tranh "Cha và con trai". Cũng mũi nhỏ xẹp, mái tóc xoắn...
Sau chiến tranh, mặc dù dưới sự giúp đỡ của những người bạn của cha, Chris (tên bạn gọi) có thể dễ dàng lập nên sự nghiệp, nhưng vì không thể sống trên đất nước của những người hàng xóm đã tố cáo và những người đã giết cha mình, với sự tự tin có đủ trí thông minh không nhờ tên tuổi của cha, ông rời Đức. Trước tiên ông sang Anh, gần Oxford ở đây ông sở hữu một trang trại. Sau đó qua Mỹ. Ở Mỹ, ông làm việc ở các nhà in nổi tiếng như Mac Millan, Times Mirror. Ông đạt được tới chức quản lý phần thiết kế, xuất bản hàng in chất lượng cao.
Năm 1999 lần đầu tiên sau nhiều năm, ông cùng vợ Wendy trở về thăm Plauen.
Christian Heinrich Ohser sanh 20 tháng 12 năm 1931 tại Bá-lin, mất 23.6. năm 2001 tại Düsseldorf (Tây Đức) sau cơn đau tim, thọ 69 tuổi.
Peter Ohser có bằng cử nhân nghành quản trị kinh doanh trường đại học tư Roger Williams và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường đại học Minnesota.
Năm 2004, Peter Ohser trao tặng khoảng 1400 hình vẽ của Erich Ohser cho thành phố Plauen, đưa "Cha và con trai" trở về cố quốc. Hình vẽ bao gồm toàn bộ "Cha và con trai", hình vẽ chính trị và hình biếm họa vẽ cho báo hàng tuần "Das Reich", chân dung, minh họa, vẽ phác thảo. Toàn bộ trị giá khoảng 1 triệu Euro. Ngoài ra còn một số thư từ và sở hữu, tài liệu cá nhân của Erich Ohser.
Peter Ohser lập gia đình với Alyce, có 2 con trai sanh 2003/2006 Owen Christian Ohser và Graham Ohser.
The Brave Tin Soldier
Max and Moritz in seven tricks - by Wilhelm Busch -> Xem Tiếp chuyện 3 đến 7
The story of Augustus who would not have any soup
go there for -----> more stories of Dr. H. H.
The Little Match-Seller/The little Match Girl/Cô bé bán diêm by Hans Christian Andersen
How to get along with a limited vocabulary
The potato peeler story
How to talk to a computer
The little Girl and the Wolf
Cha và con như hai người bạn tri kỷ thực thụ để chia sẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống!
ReplyDeleteĐồng tình với ý kiến của bác bảo vệ, cha và con phải như hai người bạn thì mới có thể tậm sự và chia sẻ nhiều hơn mọi thứ trong cuộc sống giúp con có thể trưởng thành!
ReplyDeleteCảm ơn hai bạn đã ghé đọc và để lại lời bình luận, nhận xét.
ReplyDeleteHai người có được suy nghỉ như vậy thì Kim mong là ít nhứt cũng có 2 người có thể coi con mình như một tri kỷ, dìu dắt những người nhỏ ấy đi trên con đường họ lựa chọn.
Cha con là 2 ngừ hiểu nhau nhất trong gia đình.....
ReplyDeletehic mình tuy là con trai nhưng ít tâm sới ba lắm
ReplyDeletevậy khi nào bạn có con, nên tâm sự với con và hướng dẫn con có một ý tưởng tự do, suy nghỉ và làm theo năng khiếu của chúng nhé. Có như vậy, thế hệ sau sẽ tốt hơn và đạt được tình cha con như bạn hiện mơ ước.
ReplyDeleteChúc thành công.