Tuesday, February 14, 2012

Qua Cửa Chuyển Tiếp (st)

Ngay khi mới ra đời là ta đã tiến dần tới cõi chết. Vậy mà ta lo gom góp mọi thứ cho mình, để rồi khi chết ta đi có một mình với hai bàn tay trắng, để lại tất cả những gì mà ta đã khổ công đeo đuổi bấy lâu... Chỉ có Cái TA có thể mang theo là cái tâm linh tu tập.
(Đức Đạt Lai Đạt Ma đời thứ 14)

Khi giải thích về Sự chết, ông đã nói rằng: "Chết là một phần tự nhiên của sự sống, chết không có gì bất công và đáng sợ vì ai rồi cũng phải chết và CHẾT không phải là mất hẵn. Tuy nhiên không ai biết trước mình sẽ chết vào lúc nào và chết ra sao? VÌ VẬY, TỐT NHỨT TA NÊN CHUẨN BỊ, HÃY XEM SỰ CHẾT NHƯ LÀ MỘT SỰ ĐI XA."
 
Tại sao mọi người đều biết rõ là người đi du lịch thường chuẩn bị trước nhiều thứ trước khi đi, mà không chuẩn bị trước cho mình nhiều việc trước cái chết sẽ phải đến?

Tìm hiểu sự CHẾT rất quan trọng và cần thiết cho tất cả mọi người. Vì sự thật hiển nhiên là mọi người ai cũng phải chết. Vậy thì tìm hiểu sự chết sẽ giúp chúng ta kịp thời chuẩn bị cho mình được an bình, thuận lợi khi phút lâm chung đến. Đừng đợi tới khi lâm chung mới lo thì không còn kịp nữa...

Một Đại Đức khi viết về sự chết đã ghi nhận rằng: "Trên thế giới, nhứt là nơi xã hội tân tiến rất ít người hiểu biết về cái chết: - trước khi chết - trong khi chết - sau khi chết như thế nào...?"
Nhiều người như cố quên về cái chết, cho cái chết là đáng sợ, không dám nhắc tới. Nhưng cũng có người lại làm ra vẻ thản nhiên bất cần. "Ôi! Ai rồi cũng chết, vậy thì lo sợ, nghĩ ngợi làm chi cho mệt! Cứ để cho nó tới". Thật sự thì lời nói đó chỉ là khỏa lấp về sự chết, chối bỏ sự chết vì không muốn nghe chữ chết mà thôi. Nhưng khi sự chết gần với họ thì sự lo âu khủng khiếp không còn làm họ thản nhiên nữa và khi đó vì không có chuẩn bị trước nên sự ra đi của họ về thế giới bên kia lại chất chứa nhiều đau khổ và sai lầm.
Có người còn cho rằng CHẾT LÀ HẾT là không còn gì nữa. Vì vậy họ sống vội vã, cố hưởng được những gì họ có trong cuộc đời hiện tại mà họ đang sống chớ không cần nghĩ đến tương lai, hậu quả của đời sau ra sao. Như vậy họ sống chỉ là để hưởng thụ, nặng về vật chất coi nhẹ hay không nghĩ đến phần tâm linh.

SỰ chết quả thật rất quan trọng, nếu mọi người tự suy nghĩ về cái giờ phút cuối ấy thì thật sự là không đơn giản.
Khi biết được vấn đề trên một cách sâu xa tế nhị và quan trọng thì ngoài sự chuẩn bị cái chết cho riêng mình, chúng ta còn giúp người khác biết chuẩn bị cho họ được an lành khi cái chết đến với họ.
Sống trên thế gian này mọi người đều mê muội, trong khi chết là cái thực tế đang chờ thì lại không bao giờ quan tâm tới. Đó chính là cái sai lầm ghê gớm mà mọi con người đã và đang phạm phải mà không biết. Con người hầu như gần cả cuộc đời mình đã hao phí hết thời gian, khổ công cho việc làm ra tiền, xài tiền hay góp nhặt để dành tiền... Chỉ ngần ấy thôi cũng đã khiến tiêu tán hết năng lực, để rồi cái chết tới bất ngờ, trong khi chưa chuẩn bị gì cả. MÀ CHẾT THÌ KHÔNG MANG THEO ĐƯỢC BẤT CỨ THỨ GÌ. Dù cho vua chúa, bần dân, giàu sang hay nghèo hèn.
Thật vậy, khi chết hai tay buông xuôi, người chết không mang theo được bất cứ gì nhứt là tài sản, tiền bạc. Vì vậy trong cuốn Tử thư Tây Tạng thường nhắc nhở mọi người rằng: "Trước khi chết, ta nên rời bỏ không luyến tiếc những gì mà ta có", những tài sản, tiền bạc, vật dụng nên phân chia, trao tặng rõ ràng. Như vậy là hoàn toàn buông xả, để chính chúng ta không còn phải phân vân khi ra đi, không còn khao khát thiết tha, quyến luyến, tiếc nuối... Ngay cả sự thương, sự ghét cũng phải buông xả trút bỏ. Có như vậy người sắp mất RA ĐI VỚI CÁI TÂM BÌNH THẢN không bị ray rức bịn rịn hay ràng buộc bất cứ vấn đề gì.

CẦN BIẾT TRƯỚC CÁI CHẾT SẼ ĐẾN
Phần lớn người Đông phương lấy làm lạ và có khi phẩn nộ khi thấy bác sĩ Tây phương hay nói thẳng về sự sống chết của bịnh nhân.
Khi đã biết căn bịnh đã đến hồi vô phương cứu chữa, bác sĩ thường nói cho họ biết để lo liệu trước. Xét cho cùng thì đó là điều hay, nên làm, để người ta quen dần với tình trạng hoàn cảnh hiện tại của họ. Lúc mới nghe các bác sĩ nói điều không may thì họ rất kinh hãi, sợ sệt, nhưng dần dà họ sẽ an phận vì không còn con đường nào khác và những giây phút còn lại của cuộc đời, họ sẽ sống theo với hoàn cảnh của họ.
Khi đó họ cũng tự nhủ là con người trước sau gì rồi ai cũng phải chết. Mà thật sự xưa nay đều vậy. Nếu thân nhân bạn bè cũng nói, cũng chấp nhận điều đó thì người bịnh sẽ thấy được an ủi và tự nhiên họ không còn đau khổ, lo sợ về cái chết sắp đến nữa.
Một Đại sư đã khuyên mọi người là nên nói một cách tế nhị, khéo léo sự thật về cái chết cho thân nhân người sắp qua đời biết, khi căn bịnh của họ đã tới hồi nguy kịch. Điều này có lợi vì giúp họ: "Kịp dọn mình, chuẩn bị tinh thần cho một tình huống phải đến" - Nhờ vậy mà dần dần họ sẽ cảm thấy yên tâm và cũng từ đó bắt đầu sửa đổi thái độ, tâm tánh với mọi người, với gia đình, với những ân oán nợ nần, những gì cần giải quyết v.v. sao cho tốt đẹp.

NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN đến NGƯỜI SẮP LÌA ĐỜI
- Tâm tư nguyện vọng của người sắp lìa đời
- Nỗi đau về thể xác của người sắp lìa đời
- Tâm tư tình cảm của người sắp lìa đời
- Tôn trọng ước nguyện của người sắp lìa đời
- Nhận thức của ta thay đổi khi gần người sắp chết
- Điều nên tránh khi ở cạnh bên người sắp lìa đời.
- Sự bơ vơ đơn độc của người sắp lìa đời.
- Đức tin của người sắp lìa đời.

TÂM TƯ NGUYỆN VỌNG của người sắp chết
Một đại đức xứ Tây Tạng, người am hiểu sâu xa về sự chết, đã cho biết rằng: Những người sắp chết thường giống nhau về tâm tư, nguyện vọng. Khi mà cái sự chết chưa di chuyển dần đến với họ thì họ chưa cảm nhận được sự chết ra sao cả. Nhưng khi sự chết đến gần họ rồi, họ đã cảm nhận được rồi, thì lúc đầu họ cảm thấy dè dặt, bất an. Nhưng rồi từ từ tinh thần sẽ an bình tiếp cận với cái chết. Điều quan trọng trong lúc đó là họ thích thổ lộ những điều liên quan tới cái chết và những điều mà họ mong mỏi ước ao.
Theo Đại đức thì: "Nếu người sắp qua đời nói được những tâm tư nguyện vọng của họ một cách tự nhiên thoải mái thì điều ấy sẽ giúp họ thay đổi được quan niệm sống, thay đổi được cuộc đời mà họ đã từng trải qua, để đi vào thế giới khác một cách bình an tốt đẹp."
Khi bạn đến thăm người sắp chết, nếu họ nói ra những gì về cá nhân của họ, cuộc đời họ, tình cảnh họ, bịnh tình họ... Thì đó là những cảm nghĩ riêng tư của họ. Hãy để cho họ thổ lộ những gì mà họ muốn nói, đừng cản lời họ vào lúc đó. Không những không cản trở mà còn khuyến khích, thông cảm với họ, hòa đồng với họ một cách ân cần đầy tình cảm... khi họ nói ra. Có vậy họ sẽ có cảm giác là khi họ ra đi họ không cô đơn. Lúc này rất quan trọng vì người sắp lìa đời đang ở vào giai đoạn dễ cảm xúc nhứt, nhạy bén nhứt.
Khi tiếp xúc với người sắp lìa đời, bạn nên tự đặt mình vào với hoàn cảnh của người sắp mất đang kề cận với cái chết thì lúc đó tình cảm bạn đối với họ sẽ chân thật, sâu đậm và lúc đó bạn sẽ hiểu thấu tâm can, ước vọng hay sự lo lắng của họ hơn - Còn họ thì cảm thấy bình an thanh thản như trút được gánh nặng và có người vào lúc đó cảm thấy như có được người thông cảm hòa điệu với mình, khiến họ bình an can đảm hơn.
Nói tóm lại bạn phải tỏ ra tự nhiên không hốt hoảng, lo sợ và tin tưởng là giây phút sắp tới là giây phút mà người mất sẽ gặp Đấng Tối Cao, họ sẽ được Chúa hay Phập dẫn dắt họ vào cõi tốt lành an lạc.
Đáng ngại nhứt và sai lầm nhứt là vào giây phút đó người thân lại hay kêu gào than khóc níu kéo như sợ người mình thương ra đi. Phải nghĩ rằng mọi người ai rồi cũng chết, không đi trước thì cũng sẽ đi sau. Có lẽ vì vậy mà ông bà ta thường có câu an ủi rằng: "kẻ chết trước được mồ được mả; kẻ chết sau mồ mả ngã nghiêng". Người đi trước vậy mà được may mắn.

NỖI ĐAU VỀ THỂ XÁC của người sắp lìa đời
Theo kinh nghiệm của Đại đức và những chuyên viên đã từng khảo sát theo dõi từ Trung tâm tiễn đưa người chết (Tiếp dẫn đường) tại St. Christopher (Anh quốc) thì người sắp qua đời có nhiều nỗi lo lắng, bồi hồi mà một trong những lo sợ ấy là sự đau đớn trong khi sắp qua đời. Nếu lúc ấy, người sắp qua đời đau đớn thân xác thì cần phải có sự chăm sóc tận tình nhưng đừng hốt hoảng. Các loại thuốc giảm đau có thể dùng nhưng tránh đừng dùng nhiều chất á phiện. Sự làm giảm đau đớn cho người sắp qua đời sẽ giúp cho thần trí của họ được sáng suốt, bình tĩnh hơn, giúp họ giữ được ý thức và tự chủ. Vì trước giây phút Thần Thức thoát ra khỏi cơ thể (giây phút quan trọng của sự chuyển tiếp) mà trí óc không minh mẫn, không sáng suốt, thần trí hỗn loạn vì những cơn đau đớn, thì sẽ dễ bị tối tăm lầm lạc mà đi vào những đường xấu xa bất lợi.
Do đó, thật phước lành cho ai khi sắp lìa đời mà không đau đớn, từ từ như đi vào giấc ngủ bình thường.

TÂM TƯ TÌNH CẢM của người sắp lìa đời
Ngoài vấn đề đau đớn thân xác, người sắp lìa đời còn mang nặng nỗi niềm luyến tiếc, bịn rịn vì chưa hoàn tất một công việc, một ước vọng hoặc chờ mong việc gì đó. Ngoài ra về mặt tình cảm, ngoài bịn rịn gia đình, cha mẹ, vợ con đôi khi họ còn phiền muộn lo âu về những điều họ đã phạm phải tội lỗi, những mối căm thù, những món nợ v.v. mà họ chưa giải quyết xong.
Đây là sự thật và cũng là điều đáng ngạc nhiên!
Phải chăng lúc lâm chung con người sắp ra đi, họ thường tỏ ra thánh thiện? - Phần lớn những người sắp qua đời thường tha thứ những gì mà người khác đã gây hại cho họ, kể cả kẻ thù mà lúc còn sống họ rất căm giận. Ngay cả nợ nần họ cũng nhớ và muốn giải quyết dứt khoát.
Anh Trần H.L là một quân nhân đã kể rằng: Trong một cuộc đụng độ xảy ra vào năm 1966, người bạn thân của anh là Nguyễn V.L. bị đạn trọng thương lúc hấp hối đã nhờ anh nhắn gởi với gia đình những lời trăn trối và còn nói: "Tôi nợ thằng Sáu trong đại đội 350 đồng, nhớ trả giùm."
Những điều vừa trình bày trên cho thấy ở phút lâm chung, con người tự nhiên tốt lành hơn, cởi mở hơn, thánh thiện hơn, tất cả như buông xả nên họ dễ dàng tha thứ. Ngay cả tử tội trước khi thọ hình cũng thường tỏ ra ăn năn hối cải những lỗi lầm mà họ đã phạp phải.

CẦN TÔN TRỌNG ƯỚC NGUYỆN của người sắp lìa đời
Tại một số bịnh viện ở Luân đôn (Anh quốc) khi thuyết giảng về những giây phút trước lúc lâm chung của bịnh nhân, một Đại đức đã lưu ý rằng:
"Các bịnh viện cần tôn trọng ước nguyện của người sắp qua đời, cũng như cần để cho họ được nằm yên và giữ im lặng càng nhiều càng tốt..."
giây phút lâm chung sắp đến, tâm linh họ cần được mở ra. Do đó khi biết được người bịnh không thể nào qua khỏi, thì tốt nhứt là gở bỏ những gì gài cắm vào cơ thể người bịnh như các dây nhợ, kim chích, máy đo, thuốc truyền vào cơ thể v.v. để thân thể người sắp qua đời được tự nhiên, tâm trí thanh thản... Đồng thời người thân túc trực bên giường nói những lời tốt đẹp hay cầu nguyện cho người sắp mất và săn sóc tâm linh cho họ... Có như vậy sự ra đi của họ mới mong được bình an.

Ngày thứ 49 sau khi mất rất quan trọng.
Vì đó là thời hạn lâu nhứt mà Thân Trung Ấm chuyển đi vào một kiếp đời khác. Giai đoạn này nên có nhà sư hay linh mục hoặc bạn bè bổn đạo, khuôn hội tới đọc kinh, tụng kinh giúp hương linh siêu độ. Đây là việc nên làm nhứt.
Một thời điểm khác cũng rất quan trọng là hai ba tuần sau khi người đó mất, tức là khoảng từ mười lăm tới hai mươi mốt ngày, thời gian ấy nên đọc kinh, tụng kinh cầu nguyện cho hương linh được vãng sanh Cực lạc hay Thiên đường tùy theo tôn giáo người đã mất.
Đối với người Tây Tạng thì việc làm phước thiện nhân danh người chết là một việc làm có ý nghĩa nhứt. Đó là cách trả ơn, tỏ lòng thương mến và hổ trợ người đã mất hay nhứt, chớ không phải cứ ủ rũ than khóc, tiếc nuối sầu thương cũng chẳng ích gì cho vong linh người quá vãng.

NHẬN THỨC CỦA TA khi kề cận người sắp chết
Người nào từng ở cạnh người sắp chết, họ sẽ học được thế nào là nỗi lo sợ, nỗi cô đơn của người sắp qua đời. Nếu người ở cạnh ấy cảm thấy lo sợ thì mối lo sợ đó cũng giống như mối lo sợ của người đang nằm trên giường. Nhờ vậy mà những người đã từng ở cạnh người sắp mất như thể có được nhiều thiện tâm hơn vì chính họ cũng giống như người đã từng trải qua giai đoạn lâm chung đó. Họ sẽ nhìn đời khác hơn, xem giá trị tâm linh cao hơn vật chất.
Cô M. PH. làm việc tại một bịnh viện lớn tại Colorado Hoa Kỳ, tuy còn rất trẻ, phần việc của cô là chăm sóc an ủi những người sắp qua đời; cảm tưởng của cô sau 6 năm làm việc ở bịnh viện với độc nhứt công việc đầy buồn bả này là:
"Tự nhiên tôi nhận thức cuộc đời có phần khác với nhận thức của bạn bè tôi cũng như chị em tôi, - Tôi nghĩ là không nên ghen ghét, căm thù, ganh tỵ bất cứ ai. Vì chung cuộc, tất cả cũng giống nhau về hình ảnh thường diễn ra sát bên cạnh tôi... Lúc nào tôi cũng thấy sự chân thật và đầy quyến luyến của những người sắp ra đi. Hình như hầu hết những người sắp ra đi đều bao dung vị tha... tại sao chúng ta không bao dung, cởi mở, thiện tâm trong lời nói, trong hành động, trong việc làm ngay khi ta còn sống trên đời này!"

ĐIỀU NÊN TRÁNH khi ở bên cạnh người sắp lìa đời.
Điều quan trọng cần nói là bạn bè, người thân khi kề cận bên người sắp qua đời thì đừng bịn rịn, khóc lóc, níu kéo người sắp mất. Nếu ta cứ tạo ra lắm mối cảm thương ray rứt thì người sắp lìa đời sẽ đau buồn thảm khốc vô cùng, khiến họ khó nhắm mắt. Đó chính là điều vô cùng tai hại. Chúng ta cần nhớ kỹ rằng: khi gần tới phút lâm chung, họ cần phải được yên ổn tâm hồn, buông xả tất cả không còn gì vướng bận vào giai đoạn quan trọng đó.
Tốt nhứt là người thân phải để cho họ ra đi một cách bình an, thanh thản, tự nhiên... Muốn vậy, phải làm cho người sắp lìa đời được an tâm, nói với họ là mình ở lại không sao cả, không có gì phải lo cả, mọi việc sẽ ổn thỏa sau khi họ mất.
Người sắp mất luôn luôn mong ước có người hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ, gần gũi họ để được an ủi, ân cần chăm sóc họ, chịu lắng nghe. Cần tránh sự sợ hãi mà không giám gần họ, hãy mạnh dạn nắm lấy tay họ và nhứt là đừng nói lời chia buồn khổ đau mà trái lại nói lời an vui, giúp họ phấn chấn tinh thần. Lời an ủi ở đây không phải là nói với họ rằng họ sẽ không chết. Có thể chỉ yên lặng hoặc để họ biết là họ sắp lìa đời. Vì một khi họ biết sự thật, họ sẽ có thì giờ chuẩn bị dọn mình cho sự chết đến, với sự can đảm chính chắn và sáng suốt hơn.

Đừng để họ ra đi khi không biết trước là họ sắp mất.
Có một điều mà Đại đức nhắn nhủ mọi người thêm về vấn đề này là đừng bao giờ thuyết giảng giáo lý của riêng bạn cho người sắp lìa đời nhứt là khi người ấy không cùng tín ngưỡng với bạn. Trái lại người thân phải khích lệ, ân cần phụ giúp họ vững tin vào những gì mà tinh thần và niềm tin của họ từng gắn liền. Bạn cố gắng tạo cho mình thái độ, cử chỉ và nhứt là gương mặt không tỏ ra đau khổ, sợ hãi bối rối, lo âu hoặc kinh hoàng khi đang ở bên cạnh họ. Vì những hình ảnh đó sẽ khiến cho người sắp qua đời lo sợ, bất an, làm cho giây phút lâm chung của họ trở nên nặng nề, khốn khổ u buồn. Làm như vậy không phải là có lợi cho người sắp mất mà là gây sự bất lợi nếu không muốn nói là tai hại.
Các vị Đạo sư Tây Tạng khuyên thân nhân vào lúc đó nên tạo sự bình an cho người sắp qua đời như sau:
- Nếu họ bị những cơn đau đớn hành hạ thì ngồi gần bên họ nói với họ là: hãy cố gắng cầu nguyện cho vơi sự đau đớn và những gì họ cầu nguyện sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những ai cũng đang bị sự đau đớn hành hạ như họ.
- Nếu họ tỉnh táo thì khuyên họ hãy thở vào với ý nghĩ là thâu nhận những khổ đau của những ai từng bị đau đớn như họ; rồi thở ra với ý nghĩ tống xuất những vi trùng, những đau đớn, những xấu xa tội lỗi để cơ thể được thanh thoát
Khi còn sống ta cũng thường nên tập như vậy cho quen dần...

SỰ BƠ VƠ ĐƠN ĐỘC của người sắp lìa đời
Ở các nước Âu Mỹ, phần lớn các người qua đời thường cảm thấy lạc loài bơ vơ, cô đơn. Có lẽ tập tục của người Âu Mỹ quá khác xa với người Đông phương. Nên người ta, ngay cả thân nhân cũng ít quan tâm tới sự tiếp cận chăm sóc về mặt tâm linh lúc người thân sắp qua đời và ngay cả trong thời gian thân xác thân nhân còn nằm ở nhà quàng. Và cũng như cả những vị bác sĩ tốt nghiệp ra trường cũng chưa hề trang bị những gì thuộc lãnh vực tâm linh. Do đó nhiều vị đã gặp những trường hợp bịnh nhân hấp hối ngay trước mắt mình với những lời mong ước cầu xin có liên quan tới vấn đề tâm linh. Nhưng họ không biết hổ trợ, giúp đỡ người sắp mất trong giây phút ấy như thế nào cả...
Một nữ bác sĩ người Anh vừa mới tốt nghiệp vào làm ở một bịnh viện đã chạm trán ngay một trường hợp khó xử. Cô tới trước một bịnh nhân, một ông già sắp chết, ông cô độc không có bà con bạn bè nào tới thăm cả. Thấy cô, ông già thều thào nói: "Khi tôi chết, cô có nghĩ là Thượng Đế sẽ tha tội cho tôi không?" Người nữ bác sĩ lúc đó cảm thấy lúng túng không biết trả lời sao.
Khi nghe người nữ bác sĩ kể lại chuyện đó, một Đại đức đã nói rằng: "Thượng Đế luôn luôn nhân từ nên Ngài đã tha thứ cho cụ rồi. Còn tâm trí cụ, để được thanh thản hãy thành tâm sám hối, hãy tha thứ cho chính mình về những tội lỗi (nếu có) mà mình đã gây ra lúc còn sống. Ngoài ra cụ hãy tha thứ cho những ai đã từng làm cụ đau khổ và sám hối nhận lỗi những gì mình đã từng sai lầm hay làm tổn hại họ. SÁM HỐI và THA THỨ là hai yếu tố giúp ích cho bất cứ người nào khi ở vào phút lâm chung."
Theo các Lạt Ma Tây Tạng thì dù người sắp lìa đời đã tạo nhiều ác nghiệp, nhưng lúc sắp mất họ tỏ ra ân hận, hối tiếc, ăn năn sám hối, mong cầu sự tha thứ thì chắc chắn sẽ phần nào chuyển hóa được nghiệp xấu.
Điều luôn luôn cần lưu ý là người sắp qua đời sẽ ra đi một mình, nên phút tiễn đưa cần có thân nhân bạn bè để lúc lìa đời khỏi cảm thấy bơ vơ lạc lỏng. Vì vậy Sự lẻ loi đơn độc là điều bất hạnh nhứt của người sắp mất.

ĐỨC TIN của người sắp lìa đời.
Tất cả chúng ta, khi đọc vào đoạn này, ta hãy tưởng tượng rồi có ngày ta cũng như vậy, thì cái ao ước về sự an lạc tâm hồn khi ra đi cũng là điều mà ta mong ước.
Một Đại sư đã nói: "Đừng bao giờ bỏ người sắp qua đời ở phút lâm chung nằm một mình cả. Ở cạnh họ, hòa cả thiện tâm của mình vào với họ lúc ấy chính là giúp họ an tâm vững tiến vào thế giới khác mà không lo lắng sợ hãi. Ở cạnh họ vào cái giây phút quan trọng nhứt đó với lời thành tâm cầu nguyện cho họ là điều cực kỳ quý giá...". Nếu người sắp mất tin vào Chúa JESUS thì hãy cầu nguyện Chúa Kitô thương xót và giúp đỡ họ. Nếu họ là một tín đồ Phật giáo thì hãy cầu nguyện Phật A DI ĐÀ, Phật QUAN ÂM cứu độ họ. Chính sự cầu nguyện các Đấng này mà vào phút lâm chung, người sắp qua đời sẽ được yên tâm hơn khi họ cảm thấy như có Đấng Tối Cao ở bên cạnh mình. Theo Đại đức thì: Nếu người sắp mất là một tín đồ Thiên Chúa giáo và bạn là tín đồ Phật giáo thì khi bạn cầu nguyện thì hãy hướng về Đấng Tối Cao vì Chúa hay Phật cũng đều mang lại lòng từ bi bác ái cứu độ cả, chẳng có gì phân biệt. Chỉ có điều trong giây phút đó, bạn đừng bao giờ truyền giảng đức tin của bạn cho người sắp mất khi họ khác niềm tin với bạn.
Các bậc thầy nổi sanh xứ Tây Tạng đều từng dạy các môn đệ rằng: "Hãy để tâm luôn được thanh tịnh và an lạc. Đừng để sự khổ đau, giận, ghét, oán hờn bám dính vào. Hãy để tâm mình hòa cùng với tâm của Đấng Tối Cao."
Với tâm thức trong sáng ấy sẽ dẫn dắt người chết đi vào cõi thanh cao, không bị lầm lạc chọn lầm đường vào sáu cõi bất an của lục đạo (6 cõi luân hồi).

CẦU SIÊU CHO HƯƠNG LINH là điều cần thiết
Con người khi chết, phần lớn họ chưa hay, không cảm nhận được là họ đã chết, họ không còn trên cõi đời này nữa. Do đó người chết thường hoang mang vô định. Họ run sợ trước những gì xảy ra sau khi họ qua đời, họ tới đâu, gặp ai, về đâu...? Điều khủng khiếp đáng sợ nhứt là khi họ đang đứng giữa sáu con đường mà họ chẳng biết chọn đường nào.
Nếu lúc đó "linh hồn" họ bất định, hoang mang thì sẽ đi vào con đường tối tăm lầm lạc, dễ sa vào nơi ngạ quỉ, súc sanh hay cõi địa ngục. Để hồn người chết hiểu rõ tình cảnh thực của họ, không bị hoang mang mơ hồ thì thân nhân phải lo liệu việc cầu siêu, cầu an cho hương linh mới chết, hầu dẫn dắt họ ra khỏi chốn ảo tưởng mơ hồ.
Sau đây là những tư liệu quý giá biên soạn từ các tài liệu kinh sách rất hữu ích cho bất cứ ai muốn cho người mới qua đời được sáng suốt, bình tâm đi vào con đường sáng.

SỰ CHẾT
- Những giai đoạn và diễn biến của sự chết
- Sự tan rả của tứ đại
- Người chết thường hay thấy người đã qua đời
- Người mới qua đời có biết là họ đã chết?

NHỮNG GIAI ĐOẠN và DIỄN BIẾN của SỰ CHẾT
Thế giới ngày càng văn minh, phát triển mọi mặt trong đó có cả lãnh vực y khoa. Tuy nhiên, cho đến nay giới y khoa bác sĩ vẫn chưa có chương trình nào nghiên cứu tìm hiểu sâu xa về những giai đoạn, diễn biến của sự chết.
Sự chết theo họ chỉ là một chuổi biến chuyển về sự hủy hoại tan rả của thân xác vật chất mà thôi chớ không có gì khác. Khác với sự hiểu biết sâu xa kỳ diệu của các bậc đại sư. Từ ngàn xưa, các bậc đại sư đã có cái nhìn thông suốt rõ ràng về các diễn biến, các giai đoạn của sự chết với những sự kiện ly chi mà giới y khoa ngày nay vẫn chưa biết rõ, nhứt là ở giai đoạn mà
_ Tử thư Tây Tạng gọi là giai đoạn Trung Ấm.
Trong bộ Tử thư này có những đoạn mô tả diễn biến của sự chết như sau:
_ Trước tiên người sắp lìa đời nhận biết rõ cơ thể họ suy yếu dần. Các cử động tay chân, thân mình trở nên khó khăn, họ không thể đứng ngồi, cầm nắm...
_ Lúc bấy giờ họ cảm thấy như choáng váng, cơ thể như bị một lực nặng nhận xuống, nên rất dễ té ngả và nhứt là khó thở, có người còn nói thân nhân mở hết các cửa ra vì như cảm thấy ngộp ngạt. Mắt thấy lờ mờ không rõ, hai mắt hóp lại, màu da và môi tái xanh, răng có những chấm đen xuất hiện.
_ Vào giai đoạn đó tâm thần bất định, chập chờn đôi khi nói như mê sảng và chìm dần vào trạng thái hôn mê.
Những trạng thái vừa mô tả trên đây tương tự như các nhận đinh của giới Y khoa xưa nay. Ở đây, người biên soạn sách này cũng xin nêu thêm một vài chi tiết về giai đoạn sắp lìa đời của những người trong bịnh viện mà cô Trần T.M. chuyên trách tiễn đưa người chết kể lại: phần lớn những người sắp lìa đời có những báo hiệu trước như trong phòng họ nằm thường tỏa ra mùi khó chịu. Theo cô M. thì vì lúc ấy các cơ quan và những chức năng trong cơ thể không còn hoạt động như trước nên những chất thải độc, dơ trong cơ thể không còn được giữ lại như khi còn sống, còn khỏe mạnh. Nên bắt đầu thoát ra qua các lỗ chân lông và những phần hở của cơ thể... Sự bốc mùi ấy có khi xuất hiện sớm trước đôi ba ngày. Trong dân gian Việt Nam gọi đó là mùi tử khí.
Theo cô M. thì đôi khi mùi tử khí tỏa ra rất mạnh và duy trì mùi rất lâu, không tan. Có lần một bà Mỹ da đen qua đời, mùi tử khí xông lên khắp phòng và như đổ ập vào người cô M. mấy ngày sau, dù tắm kỹ, mùi kỳ lạ ấy vẫn còn phảng phất khắp người cô.
Theo kinh nghiệm của cô M. thì có thể suy đoán là sẽ có người qua đời trong phòng nào đó khi mùi tử khí tỏa ra trong phòng. Đối với những người làm phần hành như cô ở các bịnh viện thì họ rất nhạy với mùi này.
_ Dấu hiệu khác báo trước sự sắp lìa đời là da thay đổi màu sắc không còn hồng hào tự nhiên như khi còn sống mà trái lại xám xịt, tái mét. Lý do là vì máu không còn luân lưu điều hòa trong cơ thể nữa mà rút dần về tim nên da tái lợt hay tím dần từ đầu các ngón tay, ngón chân trở vào... thân mình.
_ Dấu hiệu kế tiếp là nước mắt, nước mũi, nước miếng chảy ra một cách tự nhiên không còn có sự kiểm soát nào. Miệng, môi, mắt khô, khát nước vô hạn. Hơi thở lúc này trở nên lạnh giá và khó khăn khi qua mũi, miệng; hơi thở vào ngắn hơn hơi thở ra.
Theo các Lạt Ma Tây Tạng thì vào giai đoạn này mắt người sắp lìa đời tự nhiên lộ nhiều tròng trắng, trợn trừng vì các sợi dây cơ ở mắt không còn giữ thế cân bằng cho mắt nữa. Đây là giai đoạn tâm thức mờ mịt, hầu như không còn nhận biết những gì thật giả chung quanh. Chính vào giai đoạn này người sắp mất trông thấy nhiều thứ hư hư thật thật phát sinh do những ảo giác.

SỰ TAN RẢ CỦA TỨ ĐẠI
CHẾT chính là SỰ HỦY HOẠI của CƠ THỂ.
Theo các kinh sách cổ Đông phương thì thân xác và tâm thức hình thành là do sự liên kết của năm thể hay năm đại: đất, nước, gió, lửa và khoảng không.
_ ĐẤT tạo nên thịt xương và cả khứu giác để nhận biết các mùi.
_ NƯỚC tạo nên máu huyết, chất nhờn, chất lỏng trong cơ thể và luôn cả vị giác để nhận biết cay, chua, đắng, mặn, ngọt, bùi...
_ GIÓ tạo nên hơi thở, hình thể và cả xúc giác để cảm nhận khi tiếp xúc, sờ mó, va chạm.
_ LỬA tạo nên hơi ấm, màu sắc và thị giác để nhìn ngắm, xác định hình thể màu sắc.
_ KHOẢNG KHÔNG tạo ra thính giác giúp nghe và phân biệt các âm thanh. Khoảng không còn tạo ra những xoang bào, những khoảng trống, khoảng hở ở bên trong cơ thể.
Khi chết thì những tan rả của các thể hay các đại trên diễn ra rất nhanh và người sắp chết lúc ấy cũng sẽ trải qua những xáo trộn biến chuyển trong cơ thể và cả tinh thần rất nhanh.
Trước hết thì THỂ ĐẤT tan rả nên cơ thể hầu như không còn sức mạnh nữa, khi đó người sắp chết cảm thấy cơ thể nặng nề kỳ lạ và như bị té xuống, không tự mình nhấc người lên được. Da bắt đầu có màu tái xanh, má hóp và trên răng hiện ra những điểm màu đen. Khi đó hai mắt như bị kéo sụp xuống, thấy mờ mờ, miệng bắt đầu nói những lời tối nghĩa, mơ hộ, tâm thần suy sụp.
Tiếp đến THỂ NƯỚC bắt đầu tan rả với dấu hiệu nước mắt, nước mũi, nước miếng chảy ra mà người đó không thể cản được. Mắt, miệng, cổ họng khô và lưỡi như cứng lại, khát nước vô cùng. Hai lỗ mũi như lún vào trong. Tay chân co giật, run rẩy, tâm thần mờ mịt như bồng bềnh. Khi đó từ cơ thể tỏa ra mùi khó chịu - Đó là mùi tử khí. Điều này cũng dễ hiểu vì cơ thể con người thật sự là một khối dơ dáy - như nhận định của các vị chân sư quán triệt cái thân ô trọc này và thấy cái cơ thể của con người là như vậy - Nó tích chứa biết bao cái xấu xa, bất toàn và xú uế. Nhưng nhờ các cơ phận của cơ thể giữ chúng lại bên trong nên mọi người không thấy. Chỉ thỉnh thoảng thấy qua mồ hôi, hơi thở hay phân giải, nước tiểu.
Nhưng khi các đại bắt đầu tan rã thì các cơ phận của cơ thể cũng không còn khả năng cầm giữ các thứ đó nữa mà phân rả hay tuôn ra, khiến tỏa ra mùi khó chịu. Những người làm việc ở bịnh viện thường cho biết là họ đã từng cảm nhận những mùi hôi tỏa ra trong phòng người sắp qua đời hay vừa mới qua đời.
Ở giai đoạn tan rả của thể nước, thì qua một số người đã có lần chết đi sống lại, nhiều khi nhớ ra và mô tả lúc này họ như bị chìm sâu trong lòng biển lớn hay bị khối nước ào ạt cuốn đi.
Tiếp theo là giai đoạn THỂ LỬA tan rả lần, nên cơ thể lạnh, tái; mắt mũi, miệng, cổ khô rát. Hơi thở lạnh. Lúc này không thấy rõ sự vật, tâm trí mờ tối, không nhận rõ ra bất cứ ai, cũng như không nhớ được ai. Họ thấy những đám khói mờ bốc lên...
Khi THỂ GIÓ bắt đầu tan rả thì bản thân người sắp chết cảm thấy khó thở, nhiều người vào giai đoạn này thường kêu thân nhân mở các cửa ra vì họ ngộp thở. Vì GIÓ đang tan rã thoát ra từ bên trong cơ thể qua cổ họng, khiến cho thở hổn hển, nhưng không có sức hít vào. Đôi mắt lúc bấy giờ trợn ngược vì các dây cơ trong mắt không còn tạo thế cân bằng nữa. Cả cơ thể trở nên cứng đờ. Tâm thức lúc ấy mờ mịt tối tăm, không còn khả năng nhận biết những gì xảy ra chung quanh. Khi ấy các ảo giác bắt đầu hiện ra, tùy theo nghiệp thiện ác đã gây ra lúc còn sống, mà ta sẽ trông thấy những hình ảnh tương ứng; ta cũng thấy lại tất cả quảng đời của ta như một cuốn phim chiếu ngược. Lúc này các hình ảnh và sự kiện như cuồng phong bão tố... Vì THỂ GIÓ đi vào giai đoạn tan rã. Đây là lúc máu rút về tim, hơi thở cuối cùng hắt ra. Chỉ còn một chút hơi ấm ở tim. Sự sống chấm dứt.
Giai đoạn máu tụ vào tim thì da thịt tay chân biến thành màu xanh xám hay có khi xám tro. Rồi sự hô hấp ngưng - Cơ thể lạnh - Chỉ còn chút hơi ấm ở tim mà thôi. Thời gian của giai đoạn này kéo dài khoảng mười hay hai mươi phút mà thôi. Giai đoạn sống chấm dứt...
Tuy nhiên theo các Lạt Ma, nhứt là những ghi chép trong Tử thư, thì lúc này thật sự vẫn chưa chết vì tâm thức còn có thể nghe, nhận biết những gì chung quanh. Do đó mới có lời dặn rằng:
"Thân nhân người mới chết không nên gây huyên náo, khóc lóc kể lễ hay làm những điều gì đó có thể gây đau khổ, buồn phiền, thất vọng cho người vừa mới qua đời. Lúc này là lúc mà thân nhân nên thay phiên nhau tụng kinh, đọc kinh cầu nguyện ít nhứt là trong vòng 49 ngày"

NGƯỜI SẮP CHẾT thấy NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI
Họ sẽ thấy nhiều hình ảnh tùy vào nghiệp lực mà họ đã gây ra lúc còn sống:
_ Nếu như trước đó đã tạo nhiều nghiệp ác thì họ sẽ thấy nhiều hình ảnh ghê rợn, có khi thấy người họ hại trước đó xuất hiện đòi mạng hay kêu vang.
_ Nếu khi sống họ làm việc thiện thì sẽ thấy cảnh an lạc, thanh tao, êm ả...
Nhiều người có lần chết đi sống lại đã kể rằng, họ đã thấy những người bà con, bạn bè xuất hiện và những người này là những người đã chết rồi.
Khi viết về SỰ CHẾT, một Đại đức Tây Tạng có nhắc tới vấn đề: Người đang đi lần vào cõi chết, họ thường gặp gỡ những người khác. Tuy nhiên những người mà họ gặp đều là những người đã chết.
Tài liệu trích dẫn một số lời kể của những người đã từng chết đi sống lại như Michael S. có người bạn quân nhân tham chiến ở Việt Nam bị đạn, bất tỉnh nhơn sự. Trong giai đoạn chết ngất đó anh ta thấy lại 13 đồng đội, mà cả 13 người này thật sự đã chết mấy hôm trước rồi. Điều kỳ lạ là trong suốt cả tháng trời, anh ta như bị hôn mê, thì cả trung đoàn của anh bị tổn thất 42 người. Vậy mà anh ta cũng thấy cả bọn họ. Tuy nhiên theo lời quân nhân này: "Những người mà anh ta thấy đó không ở trong hình dạng bình thường, nhưng anh ta biết rõ họ có mặt ở đó. Anh ta cảm thấy sự hiện diện của họ, liên lạc với nhau không bằng lời nói."
Theo các tài liệu kinh sách nói về giai đoạn này thì các hình ảnh mà người sắp lìa đời trông thấy là những ảo giác chứ không hiện thực. Các hình ảnh đó do chính tâm tạo ra.
Có nhiều lối giải thích, giải thích đơn giản nhứt là con người sinh ra và lớn lên thì trong suốt thời gian còn sống, họ suy nghĩ, hành động, gần gủi, tiếp xúc quen biết với bao nhiêu người, bao sự kiện... tất cả đi vào bộ não và ấn nhập trong đó. Khi chết bộ não như cái bình ac-quy vẫn còn hoạt động, những hình ảnh in sâu vào bộ não từ lâu dần dần hiển hiện ra như chiếu một cuốn phim. Đây cũng tương tự với lý luận của khoa học hiện đại.
Tuy nhiên những giải thích trên chưa hoàn toàn được xem là chính xác vì có những trường hợp khó lý giải như: những người chết đi sống lại cho biết lúc họ đi vào giai đoạn hôn mê, họ thấy những người thân mà phần lớn là những người đã chết mà không thấy những người còn sống thường gần gủi thân mật với họ hằng ngày? Bác sĩ Đoàn V.H. khi làm việc ở một bịnh viện tại New York (Hoa kỳ) đã từng lưu tâm nghiên cứu, tìm hiểu sự kiện vừa kể đã đưa vấn đề này ra hỏi bác sĩ Robert K. (người thưởng nghiên cứu về các vấn đề liên quan tới sự chết) thì được bác sĩ trả lời như sau:
"Khi một người qua đời, họ không còn thấy và biết ở ngay thế giới họ từng sống. Nhưng cái tâm linh, cái biết của linh hồn nếu có, lại đi vào thế giới khác hay chiều khác. Thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới ba chiều. Có thể thế giới mà linh hồn người mới chết tới là thế giới thuộc chiều thứ tư, thứ năm nào đó - nơi mà những người đã chết tới đó, hiện hữu ở đó..."
Theo các Lạt Ma thì cái mà người ta gọi là linh hồn thì người Tây Tạng gọi là THÂN Ý SANH và cõi không gian mà Thân Ý Sanh thấy các hình ảnh lúc đó gọi là Cõi Trung Ấm.
Tài liệu đăng tải trong các sách thuộc về những sự kỳ bí không thể giải thích (Mysteries of the unknown) của nhà xuất bản Time Life Books - Hoa kỳ - có đăng tải nhiều sự kiện có thật, liên quan tới những người chết đi sống lại đã tường thuật:
_ Như Đại úy Tommy C., trong một cuộc hành quân tại Việt Nam vào ngày 29-05-1969, qua đời vì đạp nhầm mìn. Nhưng sau đó thì ông ta sống lại như một phép lạ. Đại úy Tommy kể rằng chính khi hấp hối, ông thấy mình như thoát ra khỏi cái thân xác đầy máu me của mình và từ trên cao ông nhìn xuống thấy xác mình nằm sóng xoài bất động. Rồi ông thấy xe cứu thương chạy đến, chở xác ông về đơn vị Mash để giải phẩu. Lúc này đại úy Tommy vẫn còn ở ngoài thân xác của chính ông, nên ông có thể quan sát được mọi tỉnh huống xảy ra. Khi đó bên giường mổ, ông thấy những bạn đồng đội như D., T., R. chạy đến lôi kéo như muốn rủ ông theo họ. Nhưng ông không theo, rồi một vầng sáng tỏa đến... tự nhiên đại úy Tommy cảm nhận là mình đang nằm trên bàn mổ, không còn thoát ra khỏi thân xác của mình nữa... Sau đó, khi tỉnh lại ông ta mới biết những người bạn níu kéo ông đều là những người vừa mới chết trong trận đánh đó. Điều đáng quan tâm thắc mắc của tôi
_ (Đại úy Tommy nói với nhà báo) "là tại sao lúc đó tôi chỉ thấy những người đã chết mà không trông thấy các đồng đội đang sống?"
Một tài liệu trung thực khác, trong tập hồ sơ lưu trử tại Viện Nghiên Cứu các trường hợp kỳ bí tại tiểu bang Virginia Hoa kỳ, ghi lại lời kể của bác sĩ Lucien G.:
_ Một người Ấn Độ tên là Laila K.L.K. qua đời vì bịnh, trong lúc người nhà lo đặt người chết nằm ngay ngắn để chuẩn bị hỏa táng thì người cháu chụp một bức ảnh. Khi ảnh được sang ra, mọi người trong gia đình đều kinh ngạc vì thấy trong hình có những người lạ ngồi xung quanh xác chết. Những người ấy, khi nhìn kỹ đều là những người trong gia đình đã qua đời trước đó.

NGƯỜI MỚI QUA ĐỜI có biết họ đã chết?
Tâm thức của người sắp lìa đời rất nhạy bén. Tử thư của Tây Tạng có ghi rằng: "Khi người sắp chết nghe và thấy người thân khóc lóc thảm thương bên cạnh họ thì sự cảm nhận đau đớn của họ gia tăng khủng khiếp." Vì vậy mà người thân phải cố gắng làm sao giữ cho phút lâm chung của người sắp mất được yên lặng, thanh thản... Để người ấy ra đi một cách tự nhiên an bình.
Ngoài ra, cũng theo Tử thư Tây Tạng viết về sự chết ở giai đoạn này quả là rất tế nhị, lạ lùng mà ngày nay các nhà nghiên cứu về sự chết tại một số Đại học Âu Mỹ rất lấy làm ngạc nhiên vì tính chất vi diệu, lạ lùng và cũng đầy tính khoa học mà bên trong trang sách mô tả.!
Vậy ta hãy xem qua một số tư liệu liên quan tới SỰ CHẾT được ghi trong bộ Tử thư này:

"Khi CHẾT, cái thân xác nằm bất động, chỉ có phần như sương khói là Thần thức, thoát ra khỏi cơ thể. Theo tài liệu trong Tử thư thì lúc bấy giờ "Người chết đang ở trong cõi Trung ấm, chưa nhận thức được là mình đã thực sự chết rồi, mà cứ nghĩ mình đang còn sống bình thường. Giai đoạn này quả thật là phức tạp, khó khăn! Vì cứ nghĩ mình còn sống tự nhiên, nên vẫn đi lại, cũng ra vào nhà, cũng tiếp xúc gần gủi với vợ con, bạn bè, hàng xóm, láng giềng. Nhưng có điều là không ai trông thấy họ dù họ làm đủ cách như xô đẩy, cản đường, kêu gọi... họ vẫn không thể làm cho bất cứ ai thấy được họ. Họ cũng thấy gia đình, bà con nói về họ, nhắc nhở họ. Lý do lúc bấy giờ họ không còn cái thân vật chất, vật lý, hóa học như trước đây nữa... Rồi khi họ thấy trong nhà bày biện bàn thờ, khói hương nghi ngút, có ảnh của họ phóng lớn đặt lên đó nữa thì họ rất phân vân tưởng như là mơ. Nhưng rồi thấy người thân vật vã khóc, khiến dần dần họ hiểu ra mình đã chết. Mặc dầu vậy, họ vẫn ở trong tình trạng mơ hồ phân vân không nhận định hoàn toàn rõ rệt tình huống của họ lúc ấy.
Sự phân vân mê mờ của người đã mất, không biết rõ về tình trạng, hoàn cảnh của mình như vậy rất tai hại. Vì trong vòng 49 ngày, nếu tâm thức họ cứ mơ màng không rõ rệt thì họ lại càng khó có phản ứng thích hợp, thuận lợi với những gì đang chờ đợi họ bên kia cửa tử.
Do đó các vị sư thường căn dặn các đệ tử, khi ở cạnh người sắp lìa đời hãy tế nhị cho họ biết rõ là họ sẽ phải từ giã cõi thế gian. Đó là điều mà bất cứ ai cũng đều phải trải qua không sớm thì muộn. Biết được chắc chắn như vậy thì họ sẽ mạnh dạn và dứt khoát ra đi, với ý thức là mình đã thực sự chết. Điều đó sẽ giúp họ đối phó với những tình huống bất ngờ sẽ xuất hiện khi họ ở vào giai đoạn trung ấm. Giai đoạn mà những gì xuất hiện thường sẽ rất lạ lùng hiếm thấy khi họ còn đang sống như: ánh sáng lạ tỏa ra chiếu vào họ và cả âm thanh nữa.
_ Về ánh sáng thì có nhiều loại ánh sáng, đủ mọi cấp độ: sáng tốt và màu sắc khác nhau. Lúc bấy giờ họ nên tránh xa loại ánh sáng nào, nên vào với ánh sáng nào. Chính lúc này là lúc quan trọng phải biết rõ: âm thanh nào nên tới, ánh sáng nào nên lìa xa, để khỏi đi vào sáu đường LỤC ĐẠO xấu xa tai hại do tâm thức mơ hồ lầm lạc.

SÁU CÕI (LỤC ĐẠO)
_ Cõi Trời
_ Cõi người
_ Cõi Atula
_ Cõi súc sanh
_ Cõi ngạ quỷ
_ Cõi Địa ngục

Sau khi qua đời "Linh hồn" hay "Thân Trung Ấm" sẽ chuyển vào một trong sáu cõi, tùy theo nghiệp mà khi còn sống đã tạo nên. Dưới đây là tánh chất của sáu cõi mà kinh sách gọi là LỤC ĐẠO.

CÕI TRỜI
1_ Cõi Trời là nơi thanh thoát an vui. Những người khi sống làm điều phước thiện tốt lành cũng như những đời trước, người đó đã tạo phước đức, tu niệm chân thành thì khi chết sẽ vào nơi đây. Cảnh trí ở đây trong sáng, vui tươi, không có sự lo buồn, tức giận, đau khổ hay chán chường. Nói về chi tiết thì cõi Trời rất rộng lớn, chia ra nhiều tầng và mỗi tầng ứng với cấp độ khác nhau về nghiệp lành. Màu sắc ở đó tỏa sáng, có nơi rực rỡ là vì cõi Chư Thiên.
CÕI NGƯỜI
2_Cõi người là nơi dành cho những ai mà NGHIỆP họ tạo ra trước khi chết được xem là nghiệp lành. Dĩ nhiên không phải ai cũng đều tạo nghiệp lành nhiều hơn nghiệp ác. Vì vậy tùy vào nghiệp, mà khi tái sanh thành người sẽ có: người hạnh phúc, kẻ bần hàn, kẻ an vui, người đau khổ... Do đó kinh sách thường khuyên ta kiếp này được làm người là may mắn hãy cố gắng làm phước đức, tạo nghiệp lành để khi chết đi trở lại kiếp người sống hạnh phúc, an vui, sung sướng... Màu sắc ở cõi người thường là màu vàng không chói sáng mà sáng đục.
CÕI ATULA
3_Cõi Atula Đây là nơi hiện diện của những linh hồn của những con người mà khi còn sống thường kiêu hãnh vì được nhiều người kính nể do có công tu hành, học hỏi, luyện tập, cố gắng. Tuy nhiên họ lại là người tham danh lợi, thích tiếng khen, tự đắc, huênh hoang. Ví dụ như người tu hành tới cấp cao nhưng lại tham sân si, thích tán tụng công đức, mỗi bước đi có lọng tàng che, chung quanh đầy kẻ hầu người hạ, thích được mọi người bái lạy, tôn xưng... Những tánh cách ấy tạo thành nghiệp. Dù họ là người có công với đạo pháp, xây dựng nhiều nơi tu tập cho mọi người nhưng không gột rửa được lòng tham luyến sân si, còn tức giận, nóng nẩy được khen thì vui, bị chê thì nổi giận. hay phân biệt giàu nghèo sang hèn. Kinh sách xưa gọi họ là người không có phước báu lớn. Vì vậy khi qua đời phải đọa vào cõi Atula. Cõi này gồm có hai tầng:
_Atula thượng là nơi tự do thoải mái hơn Atula hạ. Đây là nơi dành cho người nào lúc sống làm được nhiều điều lành nhưng không có phước báu lớn, lòng còn tham luyến ích kỷ.
_Atula hạ dành cho người lúc sống làm nhiều điều thiện nhưng vẫn tạo ác nghiệp.
Về màu sắc thì cõi Atula thường mơ hồ, phảng phất màu xanh lá cây.
CÕI SÚC SANH
4_Cõi súc sanh Đây là cõi giới của những loài sinh vật, chúng chỉ sống theo bản năng chớ không có lý trí. Những kẻ lúc sống ở thế gian chuyên chạy theo vật chất, ham muốn xác thịt, những kẻ chuyên mua bán các loại cần sa, bạch phiến, hút xách, chứa chấp, chiêu dụ, bắt cóc đàn bà con gái hãm hiếp hay bắt làm đỉ điếm. Theo Tử kinh Tây Tạng thì người mới chết hồn còn ngơ ngát, thấy những vùng đất trải dài đầy hang lỗ, động đá tức là hồn đang ở ngưỡng cửa của cõi súc sanh. Màu sắc cõi này màu xanh mờ mờ.
CÕI NGẠ QUỶ
5_Cõi ngạ quỷ đây là cõi giới của những linh hồn mà khi còn sống đã rất tham tàn gian manh xảo quyệt, hối lộ tham nhũng, vơ vét của công, giết người, cướp của nhứt là của từ thiện làm của riêng cho mình, đặt điều vu khống cho người vô tù, ăn hối lộ, tra khảo người để đoạt tình, đoạt tiền của... thấy người ta đói khát không mảy may thương xót còn đánh đập xua đuổi... Màu sắc nơi cõi ngạ quỷ màu đỏ bầm dữ tợn.
CÕI ĐỊA NGỤC
6_Cõi Địa ngục đây là nơi dành cho những linh hồn mà lúc còn sống là những kẻ đại gian ác, vô lương tâm, những kẻ chuyên tàn sát, khủng bố, những kẻ gây tai họa đau thương nghiệt ngả cho vô số đồng loại. Theo Tử kinh thì khi hồn tới một nơi mà cảnh trí nơi đó tối tăm, thấp thoáng những căn nhà màu đen trắng xen kẻ hay lẫn lộn kề bên những hố sâu thâm thẩm thì đó chính là cõi địa ngục, Cõi này có màu sắc tối mờ hắc ám ghê sợ.
Theo các nhà Lạc Ma thì khi chết linh hồn người chết sẽ chuyển vào cõi giới nào đó tùy theo tâm thức mà họ thấy được hình dáng, màu sắc sự vật nơi họ đến.
Ngoài ra tùy theo lòng tin vào tôn giáo của mình lúc còn sống... họ sẽ thấy cảnh trí trước mắt theo tâm thức riêng của tôn giáo kinh sách họ từng đọc. Ví dụ người theo Thiên Chúa giáo họ sẽ thấy Chúa JESUS, thấy Đức Mẹ hoặc thấy các Thiên Thần bay lượn hay sự xuất hiện của ác thần, của Thiên sứ hay quỷ Sa tăng v.v.

NGƯỜI CHẾT có thật đã chết hẵn chưa?
Qua các tài liệu nghiên cứu Y bác sĩ Âu Mỹ cũng như các tài liệu kinh sách về sự chết của Tử thư Ai Cập và Tử thư Tây Tạng thì lúc con người đi dần vào cõi chết, họ ở vào trạng thái hôn mê. Khi đó mọi người đều thấy cơ thể người này bất động, tim ngừng đập, phổi ngưng làm việc, không hô hấp tức là ngưng thở. Thông thường vào giai đoạn đó, ta nói người ấy đã chết không còn biết gì nữa cả.
Tuy nhiên thực tế không phải như vậy.
Những người vừa mới qua đời tuy rằng họ bất động, nhưng thực sự họ vẫn còn nghe, biết những gì xảy ra chung quanh họ. Vì vậy người thân cần phải thận trọng trong lơí nói lúc ở gần bên người hấp hối hay đã chết. Những lời nói đầy thiện cảm, thiện tâm, tốt lành rất cần thiết vào giai đoạn quan trọng này.
Nhiều gia đình khi người thân vừa mới nhắm mắt xuôi tay đã bắt đầu tranh cải nhau, tranh chấp với nhau về đủ vấn đề. Họ không biết rằng người mới mất vẫn nghe biết và đi vào thế giới bên kia với một tâm thức đau xót khốn khổ như thế nào. Người thân hãy cùng nhau giúp người mới mất được êm ả, an bình khi đi vào cõi giới khác với cái tâm an lạc. Đó chính là cuộc tiễn đưa tốt đẹp và thánh thiện nhứt mà bất cứ ai khi ở phút lâm chung cũng đều mong ước!
Cẩn phải ghi nhớ rằng: "Đừng để ai chết trong khổ đau, ân hận, căm thù, hay nuối tiếc cả...". Vì lúc ấy họ còn phải đối diện với nhiều thứ mà phần lớn là xa lạ, bất ngờ..., họ cần phải thanh thản an bình mới có thể sáng suốt nhận định những gì sẽ đến với họ. Những điều mà vì lúc còn sống không tu tập hay chuẩn bị tinh thần nên thường kinh ngạc, lo âu, phân vân khiến phản ứng đôi khi vụng về, sai lạc rất tai hại... Khi nhắc tới vấn đề này, một Đại đức đã nói rằng: "Những ý tưởng và cảm xúc ở những giây phút trước khi lìa đời rất quan trọng, vì sẽ có ảnh hưởng lớn lao đối với đời sống kế tiếp..." Do đó mà lúc có người sắp mất, người thân, bạn bè, nên tạo sự bình an, thanh thản và thiêng liêng quanh người ấy (không nên ồn ào, tranh cải, lý sự, khóc lóc, kể lể, níu kéo,...)

*_ Ta đi chùa lạy Phật, đi nhà thờ lạy Chúa mà ta quên không nghĩ tới Chúng sanh.
Nhờ có Chúng sanh mà ta có thể thực hành việc thiện, tạo phước cho ta. Vậy cả Đấng Tối Cao và Chúng sanh đều góp phần vào quả vị tốt lành mà ta mong đạt tới.
Vì vậy tại sao ta chỉ lo tôn kính Đấng Tối Cao mà bỏ quên Chúng sanh và còn ganh ghét, ích kỷ với họ...?
*_ "Vì cái giận sẽ gây nên phiền não. Vì vậy không giận là hay hơn hết. Vì Từ Bi, Bác Ái tạo ra hạnh phúc. Vì vậy nên phải phát triển tâm thiện này thì hơn."
_* Những người hay gây hấn hay làm phiền kẻ khác luôn luôn bất an, không những lúc thức mà cả khi ngủ và nằm mơ. Trái lại nếu bạn sống an hòa vui vẻ với mọi người thì bạn sẽ thảnh thơi hạnh phúc suốt đời...
(Đức Đạt Lai Đạt Ma đời thứ 14)

THÂN TRUNG ẤM
ÁNH SÁNG, MÀU SẮC thấy ở giai đoạn Trung ấm.
Kinh sách cổ Tây Tạng kể chi tiết về màu sắc thấy ở Cõi Trung Ấm như sau:
_ ÁNH SÁNG VÀNG CHÓI LỌI RỰC RỠ khó chịu đựng nổi khi thấy, chính là ánh sáng trí tuệ phát ra từ cõi tốt lành hay cõi Phật. Nếu người chết đã được truyền dạy, căn dặn, học hỏi được khi còn sống thì lúc này THẦN THỨC sẽ an tâm nương vào ánh sáng ấy để đi tới, mặc cho ánh sáng quá chói chang làm cho khiếp sợ.
_ ÁNH SÁNG MÀU XANH DỊU chính là ánh sáng cũa cõi người. Nơi mà bất kỳ ai cũng đều trải qua sự khổ đau: SANH, GIÀ, BỊNH, CHẾT... khi vào đó rồi thì sự giải thoát rất khó khăn. Nhưng theo các vị sư Tây Tạng thì nguyên nhân khiến Thần Thức chuyển vào cõi màu xanh ấy là do: Khi sống, con người hay bị cái tham sân si làm mê mờ. Sống chỉ thích cho an nhàn, khỏe mạnh, thích nhiều của cải, tiền bạc, thích vật chất, sắc đẹp, danh vọng, chức quyền, ăn ngon, mặc đẹp v.v. ghét, giận những ai hơn mình, căm thù những ai làm mình đau khổ... Lâu dần trải qua một kiếp làm người, những tánh xấu đó trở thành tật khó bỏ, nên khi thấy ánh sáng êm dịu mát mẻ thì vội tìm đến, thấy ánh sáng chói chang thì khiếp sợ tránh xa chớ không biết đâu là tốt đâu là xấu. Cũng như khi còn sống, thấy ai nịnh bợ, tâng bốc, ton hót, khen ngợi mình thì thích thú, thấy ai nói thật, nói thẳng, trung thực, công minh thì ghét bỏ, giận hờn tránh xa... cái thói quen ấy đã ăn sâu vào tâm trí lúc còn sống, nên lúc lâm chung, dù xác thân bất động, chết hẳn rồi, nhưng Thần Thức thoát ra, vẫn còn mang nặng bản tánh như lúc còn sống, nên rất dễ lầm lạc khi ở vào giai đoạn Trung ấm. Vì vậy các vị Thầy từng khuyên đệ tử hãy tập ngay từ bây giờ: Hãy học xả bỏ dần cái tánh tham lam, sân si, hận, kiêu căng, si mê, lầm lạc, để lúc lâm chung không bị những cái xấu xa ấy dẫn vào những cõi xấu xa mê mờ nguy hiểm của lục đạo.
Tuy vậy, con người không ai giống ai, có người bản tánh rất xấu xa độc ác không bao giờ biết hối cải, ân hận, chớ đừng nói đến chuyện tu tập. Những người như vậy thì phút lâm chung đến, họ thường rất loạn tâm thần vì ác nghiệp tràn tới làm họ kinh hãi. Họ khó chấp nhận hay tin vào những gì mà người thân cầu nguyện hay giải thích cho họ bên giường... Với bản chất mê mờ ấy họ sẽ vô cùng khiếp sợ khi thấy ánh sáng chói chang vàng rực tỏa ra nơi cõi Trung ấm. Khi ánh sáng xanh xuất hiện, họ sẽ trốn ngay vào nơi có ánh sáng xanh dịu ấy để tìm chỗ nương thân ẩn náu. Đó cũng chính là nơi mà họ sẽ trở thành người, phải trả quả nghiệp mà họ đã gây ra. 
Theo các kinh điển thì một vị Phật, nguyện quyết tâm cứu vớt và dẫn dắt vong linh trót mang nghiệp chướng mà tâm thức u tối mê mờ. Vị Phật ấy là Phật A DI ĐÀ, Ngài sẽ xuất hiện tiếp nối để dẫn dắt cho kẻ lầm mê thêm một lần nữa bằng cách tỏa ánh sáng dẫn đường - Ánh sáng màu đỏ sáng chói hầu giúp Thần thức kẻ mới lìa đời nương theo. Nhưng lúc ấy, từ cõi Ngạ quỷ, súc sanh phát ra ánh sáng màu xám mờ đục. Nếu tâm thức sáng suốt an lạc thì sẽ biết nương vào ánh sáng của Đức Phật A DI ĐÀ.
Những kẻ mà lúc còn sống đã làm những việc ác, xấu xa, đê tiện thì bản tánh luôn tối tăm, thấp hèn, gian xảo, nên thường có thói quen tìm những nơi tối tăm mờ mịt để ẩn thân trốn tránh... Vì vậy mà thay vì khi thấy màu sáng của Phật chiếu rọi hướng đến thì nương theo. Nhưng với kẻ ác, chúng sợ hãi, nghi ngờ nên tìm tới ÁNH SÁNG MỜ ĐỤC TỐI TĂM để nương thân mà không ngờ đó là cõi địa ngục.
Những bậc Đại sư, những vị thầy thường khuyên những thân nhân có người sắp lìa đời HÃY NHỚ GIÚP THÊM CHO NGƯỜI SẮP LÌA ĐỜI bằng cách:
_ Hãy ngồi bên họ, nói cho họ nghe về vấn đề ánh sáng và màu sắc thấy ở giai đoạn trung ấm. 
_ Hãy cầu nguyện cho tâm thức họ được trong sáng để họ nhận thức đúng khi nhìn thấy ánh sáng, màu sắc.
_ Hãy nói cho họ là nếu trông thấy ánh sáng màu vàng chói chang rực rỡ thì đừng sợ hãi.
Vì đó là: PHẬT QUANG, là ánh sáng của TRÍ TUỆ tốt lành. Hãy tin tưởng mạnh mẽ vào ánh sáng đó,
hãy yên tâm tiến vào đó để được vãng sanh an lành vào nơi Tịnh Độ.
Còn khi thấy màu xanh êm dịu thì không nên chạy vào nơi đó, vì nơi đó là cõi người. Vào đó sẽ chịu những sinh tử triền miên, những thói hư tật xấu làm phát sinh vô số nghiệp, khó lòng thoát khỏi...
Tử thư Tây Tạng ghi rằng: một khi người thân làm được điều vừa nói trên bên cạnh người sắp mất, thì kết quả mang lại thường tốt lành. Dù cho người sắp mất khi còn sống họ tạo nhiều ác nghiệp, hành động xấu xa thì lúc lâm chung nghe được lời nói và lời cầu nguyện giải bày về ánh sáng nơi cõi trung ấm sẽ có lợi nhiều cho họ. Vì một khi họ đã ghi nhận những hiểu biết ấy với niềm tinh tưởng thì sẽ phần nào làm thay đổi nghiệp lực cho họ, dù đó là nghiệp xấu ác...

Câu hỏi được đặt ra: "Tại sao sau khi chết lại có khi qua giai đoạn Trung ấm lâu ngày mà không đầu thai ngay?
Câu trả lời: "Do kiếp đời của một người tích chứa vô số nghiệp - mà nghiệp đủ loại tốt xấu chồng chất nhau, không những ở hiện kiếp này mà từ nhiều kiếp trước đó nữa! Có khi được nhiều thiện nghiệp tốt lành, còn có các nghiệp xấu ác thêm vào, khiến nghiệp thiện bị giải trừ đi ít nhiều, mất cân bằng thiện ác. Sư tăng giảm nghiệp thiện ác qua lại này sẽ hướng dẫn Thân Trung Ấm tới cõi giới tương ứng với nghiệp mà người chết ấy đã tạo nên để đầu thai.
Vì phải hội đủ điều kiện thuận lợi và tương ứng với nghiệp để đầu thai cho xứng hợp, nên không phải liền tức thì mà có khi lâu.
Vì NGHIỆP quan trọng khi đầu thai, nên các vị chân tu thường khuyên thân nhân nên giúp thiện nghiệp cho người mới qua đời trong thế giới ít nhứt là 49 ngày kể từ ngày người ấy mất (vì trong khoảng thế giới đó vong linh người mới chết ở vào giai đoạn được quyết định đầu thai dưới hình thức nào, tùy thuộc duyên nghiệp của họ tạo ra lúc còn sống).
Theo lời khuyên của các vị chân sư thì thân nhân làm việc phước thiện, ăn chay, đọc kinh, tụng kinh siêu độ, vừa trợ lực tạo phước thay cho người mới mất và giúp họ sáng suốt để khỏi lạc vào cõi giới u tối xấu xa.
Tuy những điều khuyên của các vị chân tu vừa mô tả trên, thường ít được thực hiện do bởi nhiều lý do:
_ Như có người không tin
_ Cho rằng chết là hết
_ Hay vì quá thương xót nên chỉ biết than khóc, chớ không biết làm gì hơn vào những lúc đau khổ đó.
_ Lại nhiều gia đình tổ chức tang ma cho lớn, xe cộ rình rang, trướng liễn giăng đầy, đồ ăn thức uống tràn ngập, người đưa đám càng đông càng nở mặt nở mày với thiên hạ bà con.
Nhưng họ không biết rằng chính lúc đó, vong linh người mới mất vô cùng đau đớn xót xa, hoang mang mờ tối, phân vân trước sáu ngã (lục đạo) luân hồi. Những giờ quyết định sinh mệnh cuộc đời mới, qua đầu thai chuyển kiếp hết sức gay go nghiệt ngã... họ bơ vơ đơn độc mà nào ai có biết giúp họ... mà giúp làm sao được khi cõi sống và cõi chết cách biệt muôn trùng!
Chỉ có vấn đề trợ lực mà các vị chân sư từng chỉ bày là cách nên làm nhứt.

NHỮNG HÌNH ẢNH XUẤT HIỆN trong giai đoạn Trung Ấm
Khi cơ thể hoàn toàn bất động và ngưng thở thì từ thân xác, Thần thức thoát ra - giai đoạn này gọi là giai đoạn trung ấm. Vào giai đoạn này, tâm thức người chết sẽ thấy vô số hình ảnh, những hình ảnh ấy đều là ảo giác, không thật vì do chính từ tâm của người mới chết hiện ra.
Cần phải nhớ kỹ rằng: nếu có những hình ảnh ghê gớm dữ dằn hiện ra thì cũng đừng sợ, vì đó là do tâm tạo ra mà thôi chớ năng lực thật sự thì không có. Nhưng vì sao lúc ấy lại sợ hãi? - Vì lúc chết đi, cái thân vật lý của ta không còn nữa đã bất động, đã chết. Chỉ có thần thức mà thôi thì những hình ảnh ấy trông như thật. Hơn nữa, đối với những ai lúc còn sống không tu tập vững vàng, không được chỉ dạy về sự kiện này, không chuẩn bị những kiến thức cần thiết cho giai đoạn trung ấm thì những hình ảnh vừa nói sẽ là hình ảnh thật sự hiện ra ngay trước mắt chớ không thể bảo là ảo giác hay ảo ảnh.
Do đó mà vào giai đoạn trung ấm, phần lớn những hình ảnh do tâm tạo sẽ gây nên sự lo sợ hay thích thú. Cảm xúc mạnh nhứt của nghiệp thức ta lúc ấy sẽ định đoạt, đưa ta đi vào lối nào đó của lục đạo (còn gọi là sáu ngã luân hồi) khiến ta dễ sa vào những cõi xấu xa, dẫn ta vào một kiếp đời mới, qua sự tái sanh mới.
Chính vì sự quan trọng của nhận thức hiểu biết vào lúc đó nên Tử thư đã thường nhắc nhở mọi người rằng: "bất cứ ai rồi cũng phải trải qua giai đoạn chuyển tiếp ấy nên phải cẩn thận". Muốn vậy phải chuẩn bị học hỏi từ khi ta đang còn sống chớ đừng đợi tới lúc lâm chung tâm trí bất định, mê mờ, hoảng hốt. Nhận định sai lạc mang lại hậu quả xấu, bất lợi cho kiếp lai sinh.
Các vị Đại sư từ ngàn xưa đã thấy rõ là sự nhận thức của người mới lìa đời đối với màu sắc, ánh sáng, cảnh quang chung quanh ở giai đoạn Trung ấm là rất quan trọng. Vì vậy nên chỉ bày rất chi tiết, rành mạch cho các đệ tử, nhắc nhở họ phải biết rõ về giai đoạn này (giai đoạn trung ấm) hầu cứu giúp mọi người lúc lìa đời khỏi rơi vào lầm lạc...
Theo sự giảng dạy ấy thì:
+ Sau khi chết được 3 ngày, thần thức sẽ chứng kiến nhiều hình ảnh lạ lùng kỳ diệu, đôi khi rất khiếp sợ. Trước tiên là thấy ánh sáng màu sắc vàng tỏa ra như cầu vồng. Nguồn ánh sáng ấy rất chói chang khiến thần thức không chịu nổi. Nhưng cũng cùng lúc đó lại có một nguồn sáng dịu dàng màu xanh chiếu tới khiến thần thức cảm thấy yên bình quá nên vội vã tránh ánh sáng vàng rực rỡ để tiến vào vùng ánh sáng màu xanh mát dịu vừa mới xuất hiện kia. Nơi có ánh sáng xanh mát ấy không phải thuộc cảnh giới tốt lành thanh thản mà là cõi giới của kiếp người.
Mà trở lại kiếp người thì cũng lại phải đắm mình trong kiếp trầm luân, chịu quả báo do nghiệp tạo ra. Ngoài cảnh giới màu xanh dịu kia ra còn có những cảnh giới có màu sắc khác nhau tương ứng với những cõi giới khác nhau. Vì có nhiều cõi giới còn xấu hơn cõi người rất nhiều nữa, nên cần phải biết rõ để khỏi lạc vào. Do đó mà lúc còn sống nên biết rõ về màu sắc, âm thanh từng cõi giới để khi lìa đời nhận biết cõi giới nào tốt, xấu. Chuẩn bị được sự hiểu biết đó trước khi mất là điều rất quan trọng.
Trong phút lâm chung, thường thì ai cũng hay thấy những nguồn ánh sáng, những hình ảnh quái dị, ghê sợ hay nghe những âm thanh lạ lùng sẽ làm cho họ lo lắng sợ hãi, bàng hoàng ngơ ngác. Giây phút đầu tiên tiếp cận giữa ranh giới của sống và chết, mà đã như vậy thì rất tai hại.
Vì vậy khi còn sống nên tập cho quen hay chuẩn bị tinh thần để phút ra đi, thấy những điều vừa nói sẽ không làm cho tâm thần chao đảo. Lúc ấy cứ giữ tâm an nhiên tự tại, đừng khiếp sợ mà hãy đọc kinh hướng về các Đấng Thiêng Liêng, nghĩa là tùy vào tôn giáo mình đang theo mà liên tục tụng niệm để được nhứt tâm bất loạn. Có vậy thì mọi hình ảnh xấu sẽ qua mau.
+ Ngoài ra phút cận kề cõi chết, phần lớn đều thấy người thân đã chết tới bên giường, chào đón lôi kéo thì biết những người thân đã chết đó đã đi vào một trong sáu nẻo luân hồi không mấy tốt lành, nên đừng theo họ vì có thể bị lôi kéo vào cõi giới không an lành. Lúc ấy cần nhứt tâm đọc kinh hay tụng kinh, giữ tâm an định, không lo lắng phân vân.
Những lời khuyên trên của các vị chân sư tu luyện lâu năm, dạy bảo cho chúng nhân để tránh rơi vào cõi xấu trong lục đạo. Lý do ở giờ phút hấp hối phần lớn con người ta ham sống sợ chết, thân nhân bên mình thì khóc lóc kêu than, níu kéo; còn tâm thần thì hoảng loạn, làm sao đủ bình tỉnh để làm y lời dặn hữu ích trên. Do đó, tốt nhứt khi còn sống mỗi người nên tập trước về tâm thần, ý chí. Tập để chuẩn bị cái chết: trước sau gì rồi cũng phải đến.
Theo kinh Phật giáo thì người sắp lìa đời hãy trì chí niệm cầu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT thì sẽ được vãng sanh Cực lạc (Phật A DI ĐÀ có đại nguyện là dẫn dắt bất kỳ ai lúc lâm chung muốn được Ngài đến tiếp dẫn về cõi Cực Lạc).
Phần lớn những người chết, khi bước vào cõi giới bên kia thường bị cái tâm trạng hốt hoảng lo sợ đau buồn xót xa vì cảm thấy xa lìa người thân và bơ vơ lạc lỏng ở nơi mà họ nghĩ là chưa bao giờ thấy hay biết. Tâm xao xuyến của họ lúc ấy sẽ hiện ra mà phần lớn theo sự tưởng tượng của mình qua những gì mà lúc sống họ đã từng nghe, từng đọc.
_ Nếu họ là người Thiên Chúa giáo có thể họ sẽ thấy Địa ngục, nơi luận tội, hay thấy Chúa, thấy Thiên Đàng v.v.
_ Nếu là người Phật giáo thì họ thấy Phật, thấy nhà sư, thấy hào quang hay thấy ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục.
Như vậy, theo các vị Lạt Ma thì tùy vào tâm thức mà người chết thấy những cảnh giới khác nhau. Khi người sắp chết, những giây phút lâm chung càng lo lắng đau khổ sợ hãi hoảng hốt bao nhiêu thì họ sẽ trải qua một thời gian rất lâu với cảnh trí mà họ tưởng tới bấy nhiêu.
Tuy nhiên sự bình tỉnh sáng suốt thường hiếm thấy nơi những người sắp lìa đời nhứt là khi quanh họ có các người thân vật vã khóc lóc: điều mà các vị sư tối kỵ. Lý do là làm cho người sắp chết dùng dằng không thể lìa đời một cách thanh thản tự nhiên. Điều đó thường khiến họ sa vào những ngõ sai lạc ở các nẻo luân hồi khi chết.
Phần lớn những người chết vẫn còn mang nặng "cái tôi" tức là cái bản ngã của họ mà ngay lúc còn sống họ luôn luôn bảo vệ lấy. Vì cố bảo vệ lấy "cái tôi" ngay cả sau khi lìa đời, cái Tôi vẫn đeo đẳng nơi cái gọi là HỒN và chỉ biết có mình, nên không lưu ý tới những gì xảy ra khi linh hồn thoát khỏi thân xác.
Rất nhiều linh hồn mất dịp may. Nếu họ sáng suốt không mê mờ không cố bám lấy cái Tôi hay cái Ta của mình hoặc được chỉ dạy thì lúc lâm chung họ sẽ thấy biết nguồn sáng đó là loại ánh sáng chỉ đường cho họ tới cõi giới tốt lành yên ổn hơn. Tuy nhiên phần đông cái linh hồn đều bị lầm lạc nên đã đi lầm vào những nơi tai hại.

"CÁI GÌ ĐI TÌM" một thân kiếp mới, tương ứng với nghiệp đã tạo ra khi sống.
Theo trình bày trên thì Thân Trung Ấm là cái đi đầu thai. Nhiệm vụ nó là mang theo nghiệp lực để chuyển kiếp.


ĐẦU THAI: KHÓ hay DỄ, LÂU hay MAU?
Nhiệm vụ của Thân Trung Ấm là đi tìm một kiếp đời mới thích hợp hơn, thích ứng với nghiệp tạo ra. Sự đầu thai mau hay chậm còn tùy thuộc vào người đã qua đời. Bản thể việc làm thiện ác của họ, tốt xấu như thế nào lúc còn sống. Thí dụ:
_ Người có thiện tâm nhân đức thật sự, thì có khi chỉ trong chốc lát đã đi vào kiếp khác, ngay sau khi qua đời.
_ Người có lòng nhân tốt lành tuy không từng tu trì công quả thượng thừa, nhưng vì ít phạm vào các giới luật. Có khi chỉ nửa tháng hay một tháng là đã chuyển kiếp.
_ Còn những kẻ bình thường, thì thường sau khi chết khoảng 49 ngày là bắt đầu chuyển kiếp.
_ Tuy nhiên cũng có những người chết vì quá u mê mờ tối, luyến lưu kiếp sống cũ thì họ sẽ chậm đầu thai. Nhứt là những người tự vận mà chết (chưa tới kỳ chết) hay những người bị chết oan ức, tức tưởi. Phần lớn những oan hồn này thường lang thang vô định, không có nơi nương tựa, nên lâu ngày dễ tạo thành thể chất đặt biệt mà người cõi thế gọi là MA. Cần phải cầu hồn cho hương linh họ siêu độ mới mong thoát được kiếp oan hồn vất vưỡng.

A LẠI GIA THỨC (Dòng sinh mệnh)
Khi chết, sinh mệnh kiếp đời trước sẽ chuyển qua sinh mệnh kiếp đời kế tiếp _Dòng sinh mệnh _
Nói theo kinh điển Phật giáo thì khi chết thân xác sẽ bất động, không còn biết gì nữa và cái thân xác ấy sẽ phải bị hủy hoại theo luật tự nhiên để chấm dứt kiếp đời hiện tại. Nhưng cái dòng sinh mệnh thì không mất, mà tiếp tục chuyển đổi qua một kiếp đời mới khác, qua một hình hài thân xác mới.
Khi đó A LẠI GIA THỨC sẽ mang những nghiệp xấu tốt, những tính chất, cá tính, hoài bão của sinh mệnh kiếp đời trước như những hột mầm chuyển qua cho sinh mệnh kiếp đời sau, để rồi những hột nẩy mầm này tăng trưởng tốt hay xấu theo đúng Luật Nhân Quả, mà khiến cuộc đời mới của sinh mệnh ấy khổ đau hay sung sướng.
Vậy A LẠI GIA THỨC rất quan trọng, nó duy trì Nghiệp Nhân Quả Thiện Ác. Vậy thì:
_ CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT mà là sự chuyển đổi kiếp đời này qua kiếp đời khác như bước qua một CÁNH CỬA CHUYỂN TIẾP.
Khi bước qua cửa là đã chết, khi đó thân xác hủy hoại như ta thay bộ đồ cũ, mặc vào bộ đồ mới (Bộ đồ mới này là thân xác khác)
Những nghiệp tạo ra từ những kiếp đời vừa qua được giữ gìn, mang theo bởi A LẠI GIA THỨC.
Như vậy A LẠI GIA THỨC có nhiệm vụ thu nhặt ghi chép từng chi tiết hành vi cuộc đời, gom góp lại tại thành nghiệp và cất giữ.
Sau khi biết rõ những điểm liên kết vừa trình bày, chúng ta bắt đầu bước qua giai đoạn kế tiếp.
_ Sau khi Chết, sự chuyển kiếp sẽ như thế nào?
_ Cái gì đi chuyển kiếp (đầu thai)
_ Đầu thai có dễ dàng không?
_ Đầu thai lâu hay mau?

Sau khi chết, SỰ CHUYỂN KIẾP RA SAO?
Kiếp này muốn chuyển qua kiếp kia (đầu thai) là do nhiệm vụ của THÂN TRUNG ẤM.
Theo tài liệu của một Hòa Thượng,
_ Trong cuốn SỐNG CHẾT thì dạng thể Thân Trung Ấm cao chừng 90cm gần bằng một đứa bé 5 - 6 tuổi, nhưng rất sáng suốt, lanh lợi. Món ăn của thân này là mùi nhang. Về dạng thể thân này như cái bóng mờ. Khi chuyển đi sẽ ở tư thế khác biệt dễ nhận biết.
_ Nếu Thân Trung Ấm của loài Trời thì phần đầu sẽ ngửa lên phía trên.
_ Nếu của người, thú thì đầu đi ngang, nằm ngang.
_ Còn của quỷ trong cõi Địa ngục thì đầu chúc ngược xuống phía dưới.
Ở đây tưởng nên nhắc lại về sự kiện Thân Trung Ấm có liên hệ gì với HIỆN TƯỢNG SỢI DÂY LIÊN KẾT MỜ ĐỤC, thân xác người chết với phần mờ như sương khói. Mà các Lạt Ma thường nhắc nhở tới ở giây phút sắp lìa đời hay SỢI DÂY BẠC (SILVER CORD) mà ngày nay các nhà khoa học cũng như một số bác sĩ đã nhắc tới?

Sự liên hệ giữa linh hồn và thể xác QUA SỢI DÂY LIÊN KẾT.
Trong Tử thư Ai Cập và Tây Tạng đều có sự mô tả phần nối "linh hồn người chết" với "thân xác người chết". Đó là một dải mờ sáng giống sợi dây. Một nhà nghiên cứu về cõi chết nổi tiếng của Tây Tạng đã cho biết rằng: Khi chết "Linh hồn người chết thoát ra từ một huyệt đạo, thường là ở đỉnh đầu, linh hồn và thân xác chưa dứt lìa hẵn mà nối bằng một sợi dây lung linh mờ sáng rất khó thấy."
Nhưng các bậc chân sư thì lại thấy rõ. Các vị chân sư thời cổ đại Ai Cập trong các buổi lễ điểm đạo. Họ thường quan sát sợi dây liên kết nối liền thân xác và linh hồn của đệ tử đang trong tình trạng mê man của cơn đồng thiếp. Điều đó chứng tỏ cuộc điểm đạo đang trong tình trạng bình thường. Mục đích của buổi lễ là giúp linh hồn người đệ tử học hỏi được những gì ở bên kia cửa tử. Đó không phải là một sự chết hoàn toàn. Nhưng đối với người lìa đời thì sợi dây liên kết này sẽ đứt lìa.
Một số nhà khoa học, y bác sĩ... trên thế giới cũng có lần mô tả về sợi dây lạ lùng kỳ bí này... Tại Na Uy, cô E. cho hay là cô có lần thấy mình lướt ra khỏi cơ thể một cách nhẹ nhàng và cô thấy có một sợi dây mờ sáng lung linh theo mình.
Có một số nhân chứng khác còn cho rằng, từ sợi dây mô tả trên, họ thấy có phần khói mờ đục thoát ra lơ lửng gần cơ thể người vừa mới qua đời. Bác sĩ Hout mô tả rằng khối hơi hay sợi dây liên kết ấy rung động và như có chớp sáng. Còn như nhà khoa học khác thấy làn hơi từ từ giống dạng người.
Trên đặc san Society for Psychical Research, ông K. đã chứng kiến sợi dây nối linh hồn và thể xác người vợ lúc bà qua đời. Các hình ảnh tương tự cũng được bác sĩ, y tá mô tả... những người này còn cho biết là khối hơi có dạng hình người và có khi ở những vị trí ngang, thẳng đứng, nghiêng hay ngược. Điều này trùng hợp với mô tả trong cổ thư Tây Tạng, Ai Cập về hình ảnh lạ lùng này.
Năm 1929, sinh viên khoa học S. là người có thể xem như là tiên phong trong vấn đề nghiên cứu tìm hiểu sự liên kết giữa cái gọi là HỒN và XÁC cũng như sợi dây mờ đục lung linh nối hai phần vừa kể.
Cuốn Projection of the Astral Body do sinh viên này biên khảo và xuất bản. Về sau, các nhà khoa học khác đã bắt đầu lưu tâm nghiên cứu.
Ngày nay, sự kiện sợi dây màu trắng bạc cũng như khối hơi vẫn đang là đề tài nghiên cứu của một số nhà khoa học. Họ tạm cho rằng phần kỳ lạ đó thuộc SIÊU VẬT THỂ có khả năng vận chuyển sức sống cho cơ thể. Một khi siêu vật thể ấy đứt lìa, tức là sự sống của thân xác không còn.

Người MỸ và NIỀM TIN vào cõi giới mà linh hồn đến SAU KHI CHẾT như thế nào?
Ngày nay, một số lớn người Mỹ có thái độ và niềm tin vào những gì sẽ xảy ra với bản thân họ sau khi chết, có rất nhiều thay đổi sâu xa.
Sau khi một số y bác sĩ trình bày những bài thuyết giảng, những bài báo, và cả những luận án cũng như nghiên cứu về vấn đề kề cận với cái chết. Các nhà báo bắt đầu đổ xô đi săn lùng những đề tài vừa kể.
Năm 1982, viện Gallup đã mở một cuộc thăm dò rộng rãi khắp nước Mỹ về hiện tượng của vấn đề cận tử. Kết quả viện này đã tham khảo được 8 triệu người Mỹ đã có lần chết đi sống lại.
Những hồ sơ ghi chép về những gì mà những người này đã có lần đi vào cõi giới khác, mô tả lại được đem đi phân tích, so sánh, đối chiếu rất cẩn thận. Điều lạ lùng kỳ thú là mặc dù ở những tiểu bang khác nhau, không quen biết nhau, nhiều mô tả của những người Mỹ này lại khá tương tự hay trùng khớp nhau về những cảnh trí, sự kiện được xem là ở bên kia cửa tử.
Dưới đây là một số sự kiện được các nhà nghiên cứu HIỆN TƯỢNG CẬN TỬ ghi lại như sau:
1_ Ở phút hấp hối, xuôi tay, họ thường có những cảm giác lạ lùng như cảm thấy thanh thản, an vui, nhưng có người lại cảm thấy lo lắng sợ sệt, hoang mang hay ngơ ngác.
2_ Các giác quan lúc đó (cận tử) tự nhiên như được phát huy nên nghe rõ, nhận thức được, cảm giác nóng lạnh hay đau đớn rõ hơn.
Về âm thanh, họ nghe như có tiếng gió mạnh và thân xác họ nhẹ đi và tách rời khỏi thân xác. Phần lớn họ thấy mình nằm chết bất động, còn họ thì ở trên cao. Họ thấy rõ thân xác họ và thấy biết những gì xảy ra chung quanh. Lúc đó họ lướt đi dễ dàng như lên cao, xuống thấp và có thể xuyên qua tường hay vật cứng. Vào giai đoạn đó, họ không cảm thấy nặng nề không còn dính dấp với thân xác, lúc đó họ chỉ còn liên kết với tâm họ thôi, nên cảm thấy nhẹ nhàng một cách kỳ diệu.
3_ Lúc này họ biết mình đang ở vào tình huống nào, biết mình đang ở vào hoàn cảnh khác với trước (lúc còn sống). Họ cảm thấy mình như bị cuốn hút vào trong một khoảng tối đen mông lung diệu vợi không biết đâu là chiều hướng. Họ thấy mình lướt đi rất nhanh qua một đường hầm hun hút.
4_ Kế đó, họ thấy từ xa một điểm sáng, rồi một vầng sáng rực rỡ tỏa ra, đồng thời họ cảm nhận một tình thương bao la như hòa trong ánh sáng, bao phủ lấy họ. Lúc đó, những hình ảnh của cuộc đời họ bắt đầu diễn ra như một cuốn phim, cuộc đời họ như được chiếu lại...
Về sự kiện ánh sáng thì hình như mọi người đã được hỏi qua, đều cảm thấy hân hoan kỳ lạ, họ mô tả một ánh sáng chưa từng thấy, một thứ ánh sáng toàn vẹn, rực rỡ nhưng lại không làm cho mắt bị lóa, một thứ ánh sáng mà khi được bao phủ họ cảm nhận an lạc kỳ diệu vô bờ bến. Nên lúc ấy họ hoàn toàn hòa với ánh sáng ấy...
5_ Phần lớn họ mô tả thấy những cảnh trí đẹp đẽ lạ lùng diệu vợi với âm thanh thanh thoát phiêu bồng. Đôi khi hình ảnh có vẻ như xa vắng mông lung hay tối tăm u buồn dễ sợ. Có người thấy dinh thự lâu đài, nhà cửa, có người thấy hang đá, hố sâu...
6_ Phần lớn thấy là họ không thể vượt qua một lằn ranh giới nào đó như cánh cửa hay cái cổng lớn...
7_ Vấn đề trông thấy người thì ở đây có điểm rất tương đồng là trong số 8 triệu người Mỹ đã từng chết đi sống lại, phần đông đều kể là họ đã gặp lại người thân thuộc, bạn bè. Nhưng người thân, bạn bè đã qua đời chớ không gặp người hiện đang còn sống.
8_ Những người chết đi rồi tự nhiên sống lại đều kể giống nhau là có một động lực thúc đẩy, chỉ bảo họ quay về. Có người gặp lại cha, mẹ, anh em đã mất trước đó rất lâu. Họ ra dấu bảo hãy mau mau quay về đừng tới đây làm gì... và sau đó chính họ trở lại thân xác của họ.
Kết quả những khám phá và nghiên cứu trên còn mang lại một số điểm như sau:
_ Những người đã từng chết đi sống lại hầu như tất cả đều thay đổi cách sống. Nghĩa là trước đó họ sống "rất là tính người" thì nay không hoàn toàn như vậy nữa. Trước đó họ tham lam, giận dữ, tranh chấp, tự ái, ... thì nay họ sống có khi như an bần lạc đạo, sống nhiều về nội tâm, hướng về Đấng Tối Cao nhiều hơn. Có người tới nhà thờ làm việc thiện, có người tìm đọc sách Thiền, tu tập thiền, tìm hiểu thêm về lý thuyết của Phật giáo. Đặc biệt là những giáo lý của Phật giáo Tây Tạng có những lý giải phần lớn trùng khớp với những điều họ đã trải qua trong thế giới kề cận với cái chết.
Đối với những vị Đại sư thì những sự thấy biết của những người chết đi sống lại mô tả trên thật ra chỉ là những gì xảy ra ở ngưỡng cửa cõi Trung Ấm mà thôi, chớ chưa thật sự vào sâu trong cõi chết. Lý do là họ mới tới đó rồi trở về nhập xác chớ nếu vảo sâu nữa thì chắc chắn họ đã CHẾT hẵn không thể trở về lại với thân xác nữa...
Một sự kiện làm các vị Lạt Ma lưu ý là qua lời mô tả, kể lại của những người kề cận cái chết và may mắn sống lại là họ đều trải qua giai đoạn thấy lại rõ ràng toàn cảnh cuộc đời họ vô cùng chi tiết, từ những hành động tốt cũng như xấu.
Như vậy là rõ ràng vấn đề Tạo Nghiệp rất quan trọng, phát sinh từ những hành động, từ những việc làm của chính mình trong đời.
Những lời kể lại ấy nói lên rằng: Những gì ta đã làm, đã gây nên và thấy rõ trong phút lâm chung không thể nào chối cải hay trốn chạy được NGHIỆP BÁO.
Chính nhờ y khoa ngày càng tiến bộ có thể giúp hồi sinh một số người tưởng đã qua đời. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà giới y khoa ngày nay biết thêm một số sự kiện đặc biệt, những tiến trình cùng với hình ảnh, màu sắc diễn ra khi con người tiến dần vào cõi chết, qua những mô tả của những người có lần chết đi sống lại.
Một Đại sư đã từng đối thoại với những y bác sĩ Tây phương về vấn đề này:
"Làm sao mà bạn là vị bác sĩ tài ba và giàu kinh nghiệm thực sự, nếu bạn không được hổ trợ thêm một số kiến thức về SỰ THẬT của CÁI CHẾT như thế nào? - Nếu không có được may mắn đó thì làm sao bạn có thể giúp đỡ người sắp chết về mặt tâm linh?"
Ngày nay trên thế giới, nhiều bác sĩ đã mạnh dạn đi sâu vào việc nghiên cứu, tìm hiểu những gì liên quan tới SỰ CHẾT và có gì đằng sau cõi chết...
Trong hai bộ sách Tử thư Ai Cập và Tử thư Tây Tạng thì nội dung có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên về chi tiết vẫn có những điểm hơi khác biệt.
Đối với Tử thư Tây Tạng thì chi tiết và ứng hợp nhiều điểm mà những người chết đi sống lại mô tả thường rất ăn khớp. Đối với các nhà khoa học, các y bác sĩ hiện nay khi nghiên cứu tìm hiểu về CẬN TỬ, họ tận dụng kinh sách Tây Tạng nhiều hơn, nhứt là bộ Tử thư.
Ngày xưa, các vị Lạt Ma nhứt là các vị Đại sư hay Đạt Lai Đạt Ma sống ẩn dật tại quê hương họ nên thế giới ít biết về những vấn đề sâu xa thuộc lãnh vực tâm linh. Nhưng ngày nay, qua biến cố Trung quốc chiếm đóng Tây Tạng, cả trăm ngàn người Tây Tạng đã sống lưu vong, trong đó có cả vị Đạt Lai Đạt Ma và một số lớn các vị Đại Đức, Đạo sư... Nhờ đó mà nhiều người kể cả học giả, các nhà khoa học Âu Mỹ có dịp tiếp cận và thu thập kiến thức về thế giới tâm linh, qua đó còn có cả sự Chết, một vấn nạn mà con người thường phân vân trăn trở và lo sợ.
Nhiều vấn đề thắc mắc về sinh tử cũng nhờ đó mà được các vị Đại sư giải thích rõ ràng. Ví dụ như vấn đề Sống Chết, Trong khi Chết, Sau khi chết... Ngoài ra còn có vô số các thắc mắc liên quan tới sự chết, ví dụ như những thắc mắc về sự tự tử, về sự hư thai, về vấn đề hiến tặng thân xác, về bảo quản thân thể... Đã được giải thích rất tường tận bởi các Đạo sư.
_ VỀ NGƯỜI TỰ VẬN thì việc làm đó là một sai trái ngay cả Thiên Chúa giáo cũng tuyệt đối ngăn cấm. Khi một người tự tử thì Thần thức của người đó cũng không có thời gian chuẩn bị, sự bất ngờ mà không thể cưỡng lại được, nên Thần thức hay Thân Trung Ấm khi đó vụt thoát ra khỏi thân xác. Lúc chết vì tự sát, tâm thức người ấy rối ren, vụt tốc do tự ái nóng giận, không kềm nỗi lý trí vì vậy họ đi vào cõi chết trong u tối, lầm lạc nên thần thức buộc phải đi theo nghiệp xấu của mình. Đó là lúc rất nguy hiểm vì không có thời gian suy nghĩ kiểm soát, chuẩn bị đề phòng... nên dễ bị các vong linh xấu dắt vào cõi xấu của lục đạo.
Hơn nữa, TỰ VẬN là do mình quyết định lấy thân phận, chớ chưa hẵn người ấy đã tới giai đoạn phải lìa đời. Như vậy thì vong linh họ chưa được sắp xếp, quy định nên cứ mãi lang thang vất vưỡng vô cùng tai hại...
VỀ VẤN ĐỀ HƯ THAI: khi một người đàn bà có thai và thai bị hư. Dĩ nhiên là thai nhi đã chết. Theo Đạo sư thì dù là cái trứng thụ tinh mới tượng hình phôi thai nhưng nó cũng đã có Thần thức tiềm ẩn bên trong. Vậy mà đứa bé đã chết trước khi được sinh ra nên Thần thức của bé lại phải chuyển qua một kiếp đời khác. Trong trường hợp này, người mang thai cháu bé phải hết lòng cầu nguyện cho bé chuyển đi trong an bình. Nên làm việc từ thiện, tạo công đức giúp mình và bé được an lành mới có hy vọng có bé khác sinh ra bình thường.
Tuy nhiên cũng có nhiều người bị sẩy thai liên tiếp nhiều lần. Như vậy có nghĩa là vong linh nào đó nhập vào gia đình này, không hợp ý về vấn đề gì đó: như vợ chồng hay tranh cải, đánh đập nhau; đời sống của cha mẹ tương lai của vong linh sống bê tha, cờ bạc, rượu chè, gian ác... nhưng cũng có khi là công đức kiếp trước của hài nhi quá nghiệt ngã xấu xa, tối tăm mê mờ... khiến bị khó khăn, trở ngại, gian nan trong giai đoạn chuyển kiếp. Vì vậy vấn đề tu tập của người mẹ bị sẩy thai rất quan trọng... sẽ hổ trợ giúp đỡ công đức cho tâm thức hài nhi sáng suốt, giác ngộ thoát được sự lệch lạc trắc trở lần đậu thai kế tiếp.
VỀ VẤN ĐỀ BẢO QUẢN THÂN XÁC: về vấn đề này, ngày nay khoa học tiến bộ, khiến các nhà khoa học nghĩ tới việc đông lạnh thân xác người chết vì bịnh, để chờ đợi tương lai nghành y khoa tiến bộ hơn có thể làm cho sống lại nhờ loại thuốc hay phương cách nào đó. Theo Đạo sư thì khi một người trút hơi thở cuối cùng, thần thức sẽ rời khỏi thân xác để thực hiện vai trò đầu thai chuyển kiếp, vì vậy không có vấn đề Thần thức chờ đợi thân xác được cứu chữa. Điều tai hại lớn lao nguy hiểm hơn nữa là trước khi người ấy chết mà được hứa hẹn là được bảo quản nhờ đông lạnh, chờ đợi cứu chữa khi người ấy chết, tâm thức họ sẽ đầy hy vọng vào sự sống lại qua cái thân xác cũ. Do đó mà càng bám víu vào cái xác lạnh vô hồn, làm cho sự tái sinh vào kiếp đời khác bị ngăn cản, chận đứng... quả không có gì tai hại cho bằng. Vong linh họ sẽ lang thang vật vờ, phiêu diêu vất vưỡng. Tình trạng họ sẽ vô cùng đau thương vì họ đã rơi vào cõi giới giá băng ghê rợn mà họ không biết.
VỀ VẤN ĐỀ HIẾN TẶNG THÂN XÁC ví dụ có người hứa là sẽ hiến thân xác sau khi họ qua đời hầu giúp các công trình nghiên cứu y khoa hay sau khi chết có thể dùng bộ phận của cơ thể họ cứu giúp những người không may bị bịnh như gan, thận, mắt, phổi, tim. Theo Đạo sư thì đây là một nghĩa cử vô cùng cao cả, một công đức không thể nghĩ bàn. Nếu người bịnh, người sắp chết có hy sinh ấy, ước nguyện cống hiến ấy thì khi mất, tâm thức họ đã biết rõ việc ấy rồi nên không tạo bất ngờ, hốt hoảng, lo lắng cho họ: dù bịnh viện có tận dụng phần thân xác họ bao nhiêu đi nữa thì Thần thức vẫn không bị ảnh hưởng mà còn mang thêm công đức, nghiệp tốt của người chết để hổ trợ vào tiến trình tái sanh qua một kiếp đời mới an lành hơn.
NHỮNG NGƯỜI BỊ XỬ TỘI TỬ HÌNH bằng bất cứ hình thức nào: như xử chém, thắt cổ, xử bắn, ngồi ghế điện, chích thuốc độc v.v. thì tâm trạng của họ trước giây phút lìa đời vô cùng khủng khiếp, tâm thức họ sợ hãi, xót xa, đau khổ ngập tràn... Vì vậy trước và trong khi chết họ sẽ hoang mang ngơ ngác không biết vào đâu, dễ bị các vong linh xấu xa lôi kéo vào cõi tối tăm khốn khổ. Hơn nữa vào giây phút bị giết dù họ có linh mục hay nhà sư làm lễ đi nữa, họ cũng khó mà tiếp nhận lời cầu nguyện lúc tinh thần đang rối loạn ấy. Vì vậy thân nhân người chết ấy phải thiết lập bàn thờ cầu nguyện tiếp thêm cho họ tại nhà, tại chùa, nhà thờ để giúp cho hương linh người chết.
ĐỐI VỚI NGƯỜI BỊ CHẾT BẤT NGỜ: như tai nạn, té ngã, xe cộ, bị ám sát, bị bom đạn... thì đó là điều mà họ không ngờ tới. Vì vậy, dù đã chết nhưng họ vẫn nghĩ là mình chưa chết, nên thường cứ về nhà như lúc còn sống. Tuy nhiên, vì chỉ là cái vong linh, vô hình, vô ảnh nên không ai thấy họ, nghe họ, biết họ còn đó cả. Tình trạng ấy khiến họ đau khổ vô cùng. Chỉ khi thấy bàn thờ có hình ảnh họ và gia đình thờ cúng, khóc lạy họ thì họ mới cảm nhận mình đã qua đời, nhưng vẫn hoang mang, mơ hồ chưa rõ. Do đó thân nhân phải lo đọc kinh, tụng kinh hộ niệm, làm lễ cầu hồn, cầu siêu giúp hồn người chết ấy mau siêu thoát. Việc làm này rất cần kíp.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT SAU CÕI CHẾT
VỀ TÁI SINH LÀM NGƯỜI. Thật ra thì con người khi chết đi, nếu tái sinh trở lại làm người thì đó là một điều đáng mừng. Vì khi tái sinh, tùy theo nghiệp mà vào một cõi giới nào đó.
Theo Phật giáo thì có những cõi giới đáng sợ như cõi Địa ngục, cõi Ngạ quỷ, Súc sanh, hay cõi không mấy vinh dự là cõi Atula. Có cõi lại khó đến như cõi Trời là cõi sung sướng tốt lành. Chỉ có cõi người là trung bình, tuy cõi này kiếp đời cũng nghiệt ngã khổ đau với Sinh, Lão, Bịnh, Tử. Nhưng xét tới cảnh làm thân thú vật hay quỷ dữ thì làm người may mắn hơn nhiều. Các kinh sách cổ cũng thường nhắc tới vấn đề này như sau:
"...nếu lỡ khi tái sanh không được làm kiếp người mà làm kiếp thú thì không gì khốn khổ cho bằng. Do đó, nếu khi sống không chịu tu tập để tới được cõi giới thanh cao thì một khi đã mất làm thân người thì khó mà trở lại kiếp ấy..."
Chết không phải là mất hẵn. Chết chỉ là chuyển đổi cái kiếp thân này sang cái kiếp thân khác mà thôi. Nguyên nhân là do NGHIỆP mà khi sống tạo ra. Nghiệp ấy hoặc tốt hoặc xấu, hoặc thiện hoặc ác. Tùy theo nghiệp xấu tốt mà kiếp đời mới của Thân Trung Ấm, theo luật Nhân Quả sẽ sung sướng hay khổ đau, mạnh khỏe hay bịnh tật. Như vậy nghiệp là cầu nối làm cho Sinh Mệnh mỗi người tiếp tục từ đời này sang đời khác. Nghiệp phát sinh là do chính ta chớ không ai khác. Làm ác tạo nghiệp ác; làm thiện tạo nghiệp thiện. Những Nghiệp ấy được tích chứa, lưu giữ bởi A LẠI GIA THỨC. Khi ta còn sống trên đời thì A lại gia thức không lìa khỏi thân xác của ta, vì nó luôn luôn có nhiệm vụ ghi chép, lưu giữ lại tất cả hành động của ta từng li từng tí. Nó giống như nhà quay phim thu chép mọi hành vi tốt xấu của ta. Đến khi ta nhắm mắt lìa đời thì nó mới thoát ra khỏi thân xác ta để làm sứ mệnh đầu thai cho ta.
Khi một người chết đi thì Thần thức (Hồn, Linh hồn) thoát ra khỏi thân xác của người ấy. 
Thần thức thoát ra từ nơi đâu của thân xác?
Theo Tử thư Tây Tạng thì có 9 huyệt đạo trên cơ thể và Thần thức sẽ thoát ra từ một trong 9 huyệt ấy. Theo các vị Lạt Ma thì tùy theo nơi xuất phát mà các vị ấy biết được cõi nào thần thức tái sanh.
_ Nếu thần thức thoát ra từ đỉnh đầu của người chết thì họ sẽ đi vào cõi thanh cao.
_ Nếu thần thức thoát ra từ vùng tim thì sự tái sanh sẽ là Người.
_ Nếu thần thức thoát ra từ phần bụng thì sẽ tái sanh vào cõi Ngạ quỷ.
_ Nếu thần thức thoát ra từ phần chân, đầu gối, thì sẽ tái sanh vào cõi Súc sanh thú vật.
_ Nếu thần thức thoát ra từ lòng bàn chân thì sẽ tái sanh vào cõi Địa ngục.
Nơi thần thức thoát ra từ cơ thể là nơi thường còn chút nóng ấm. Khi chết cơ thể tái và lạnh dần. Nếu điểm nào trên cơ thể còn nóng thì nơi đó thần thức sẽ rời bỏ xác thân mà chuyển đi làm nhiệm vụ đầu thai.
Thật ra thân nhân không cần tò mò biết điều này vì chẳng ích lợi gì! Hơn nữa, nhiều người muốn biết người chết sẽ tái sanh vào cõi nào nên đã mày mò tìm hơi ấm còn lại trên thân xác người chết để xác định. Làm như vậy rất tai hại vì có thể làm cho thần thức bất ngờ bị động, nên thoát ra từ vị trí bất lợi khiến cho sự tái sanh lệch lạc, có khi tốt thành xấu.
Theo lời căn dặn của các bậc chân tu, thì sau khi chết khoảng 10 giờ đồng hồ, đừng ai đụng chạm vào thân xác người chết cả. Giữ được như vậy là giúp cho thần thức từ thân xác người ấy thoát ra tự nhiên.
Nếu muốn, ta chỉ cần biết qua những việc làm, những hành động của người ấy lúc còn sống: ác đức hay hiền lương mà ta có thể biết họ sẽ tái sanh vào cõi xấu hay về cõi Trời. Kinh sách cổ xưa đã ghi rằng: "Muốn biết quá khứ ta hành động ra sao thì hãy nhìn cuộc đời hiện tại. Còn như muốn biết tương lai ra sao thì cũng hãy nhìn những gì ta làm trong hiện tại".
"Ta có Bạn và Kẻ thù. Những ai làm lợi cho ta thì gọi là Bạn. Những ai làm hại ta thì gọi là Kẻ thù. Gọi và Đánh giá như vậy có cái hại là ta cứ bị vướng mắc vào người mà ta gọi là bạn. Họ thế nào ta vẫn thương. Còn kẻ mà ta gọi là Kẻ thù thì dù họ làm tốt mấy cũng bị ta Ghét. Đó chính là do ta bị cái chấp ngã ở ngay trong tâm ta chi phối ta..."

LÀM SAO TRÁNH ĐƯỢC QUẢ BÁO XẤU VỀ SAU?
Nếu muốn tránh được quả báo xấu xa, đau khổ thì ngay trong cuộc đời hiện tại, hãy cố tập cho mình có được mối thiện tâm. Lòng phải hướng thiện và tránh ác. Chỉ cần có cái ý nghĩ về những gì gọi là Thiện không thôi cũng tạm là đủ cho tâm thanh thản vì tâm hướng về cái Thiện. Dần dần ta hãy làm việc thiện, tức là thể hiện Thiện tâm qua hành động.
Trước hết, hãy thực hành việc thiện. Có một câu nói từ cổ xưa mới nghe qua thấy vô lý, nhưng đầy sự thiện tâm nhân đức "CHO TỨC LÀ NHẬN". Hãy có lòng thiện, làm việc thiện, đừng khư khư ôm lấy những gì mình có. Cho ở đây không phải tiền của mà là cho tình thương và cho tấm lòng nhân đạo.
Cần phải lưu ý: có người làm được việc bố thí thì tự cho mình là người được phước báu lớn lao. Làm việc thiện mà không có thiện tâm, tung tiền cho sư cho chùa để được sư và người chung quanh trầm trồ ngưỡng mộ, có người vì muốn có tài vật để bố thí cho kẻ khác đã làm điều không hay để có được tiền của. Nếu làm như vậy thì việc bố thí cũng như không. Nếu bạn làm việc phước thiện mà trong lòng muốn "mua chuộc" phước đức, để mong cầu điều gì đó, để khỏa lấp, tiêu trừ việc gian ác, không đúng mà bạn đang làm, đang theo đuổi thì quả báo xấu xa vẫn đến với bạn.
Quả báo tốt lành nhận được khi phước và đức làm tròn. Làm phước phải kèm với đức độ, mà cái đức độ luôn nằm sẵn trong tâm mình.
Nếu bố thí với mục đích mong cầu lợi lộc cho chính mình. Bố thí mà chỉ trông chờ người mình bố thí trả ơn, bố thí mà tự cao, tự đại, phách lối, trách mắng la rầy, khoe khoang thì đó không phải là bố thí, bố thí như vậy sự tốt lành sẽ mất đi.
Làm việc bố thí, giúp đỡ người sa cơ lỡ vận, giúp người cô thế là việc phải làm theo đúng với thiện tâm. Nhưng để cái tâm thiện được trong sáng thì điều cần thiết là nên tập thương mọi vật.
_ Thương đồ vật tức là tiết kiệm, chăm sóc, giữ gìn cho chúng khỏi hư hao tốn kém, đó không phải là ích kỷ, keo kiệt, bủn xỉn.
_ Thương chúng sanh là thương mọi loài, hãy tránh sát sanh, không giết loài vật. Được như vậy sẽ thành thói quen dù con kiến cũng không nỡ giết thì làm sao có thể hại người, làm khổ người, đánh đập người, giết người? Mà đã không làm những điều vừa kể tức là không tạo nghiệp ác. Đã không tạo nên nghiệp ác thì sẽ không bị quả báo trả vay. Tạo nhân lành thì gặp quả lành, tạo nhân ác thì nhận quả ác.
Vậy muốn tránh được quả báo không hay ở đời này hay ở đời sau, thì trước nhứt nên tập làm việc Thiện. Việc thiện nẩy sinh từ cách sống chân thật, trong sạch, hòa nhã, nhẫn nại, sáng suốt, không hại người, không hại vật, không lấy của người, không ích kỷ, căm thù, xảo ngôn, ganh tỵ. Luôn luôn nghĩ đến người khác với mối thiện tâm, tập đức tánh hỷ xả khoan dung, độ lượng. Nhứt là thực hành làm điều tốt giúp người.

NGƯỜI TRONG GIA ĐÌNH NÊN LÀM GÌ KHI NGƯỜI THÂN SẮP MẤT?
Nhiều kinh sách tôn giáo xưa nay đã từng khuyên người thân trong gia đình mỗi khi có người thân sắp qua đời nên có thái độ, hành động và việc làm đúng hợp với hoàn cảnh lúc đó. Có vậy mới mong người sắp mất ra đi một cách thanh thản, không u buồn nuối tiếc, khổ đau.
Sau đây là một số điều cần làm:
1_ Điều quan trọng nhứt và cũng là khó khăn nhứt, đó là khi người thân sắp hay mới qua đời thì thân nhân không nên khóc lóc, kêu gào, vật vã. Vì người sắp chết sẽ rất đau khổ ray rứt khó ra đi. Còn khi người mới xuôi tay nhắm mắt, bề ngoài thấy là họ đã mất dù cho tim ngừng đập, nhưng thật sự là họ vẫn còn nghe, biết những gì xảy ra chung quanh. Do đó thân nhân nên tránh khóc lóc, kể lể làm đau lòng người sắp mất.
2_ Không nên đụng chạm tắm rửa, thay quần áo hay di chuyển thân xác người mới mất... trong khoảng thời gian 12 tiếng đồng hồ kể từ khi người ấy mất.
3_ Trong khoảng thời gian 12 tiếng kể từ khi mất, người thân nên đọc kinh cầu nguyện (nếu là Thiên Chúa giáo) hay tụng kinh siêu độ (nếu là Phật giáo) liên tục cho vong linh hay linh hồn người mất ra đi một cách thanh thoát, an lạc, tự nhiên... dĩ nhiên là trong thời gian đó nên giữ yên lặng, chỉ có tiếng kinh thôi. Cố tránh, không có tiếng than khóc đau thương. Khi đọc kinh hay tụng kinh âm điệu cũng không nên ai oán bi thương.
4_ Cần nhớ rằng: trong thời gian 49 ngày kể từ khi mất, vong linh hay linh hồn (theo Phật giáo thì giai đoạn này là Thân Trung Ấm) người mới mất ấy còn trong tình trạng hoang mang, mơ hồ, phân vân trước những cõi giới, không biết vào đâu. Thời gian này cần thân nhân giúp bằng lời cầu nguyện, cầu hồn, cầu siêu... nhứt là bằng cách làm việc thiện giúp đỡ người, ăn chay hoặc nhờ nhà thờ, chùa làm lễ cầu nguyện cho linh hồn người mới mất được siêu thoát. Những việc làm vừa kể rất quan trọng và rất có hiệu quả vì giai đoạn 49 ngày là giai đoạn rất đáng quan tâm, rất đáng lo cho người mới qua đời.
Hãy chú tâm vào những điều vừa kể hơn là chú tâm vào nghi lễ phiền toái linh đình, đám cho to, giỗ cúng cho lớn, mời cha, thầy tới cho đông, thết đãi, xe cộ xênh xang chỉ là bề ngoài và cho người sống có hư danh, còn vong linh dật dờ, lênh đênh, vô định... mà việc chính ta làm lúc này là giúp người mất chớ đâu cho người đang sống!
5_ Người sắp mất ra đi với tâm trạng lo buồn, đau khổ. Vì họ còn rất nhiều việc chưa hoàn tất, nhiều ước nguyện chưa hoàn thành, còn nhiều tình cảm quyến luyến. Do đó phút lâm chung, người thân phải hiểu rõ điều đó, cố động viên họ, làm cho họ yên tâm. Tuyệt đối đừng khơi dậy những nỗi đau mà họ đã và đang trải qua, tránh nhắc lại những thứ ấy. Hãy nói rằng: "Cứ yên tâm, mọi việc đều ổn thỏa, gia đình sẽ lo chu đáo, không có gì phải lo cả..." Có người lúc lâm chung, họ luôn nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Có người nhớ lại số tiền nợ ai chưa trả, hoặc ai nợ họ. Họ muốn ra đi được thanh thản, nếu thân nhân nghe họ phàn nàn, lo âu điều đó thì nếu có thể tìm cách nói sao để họ an vui. Nếu có đủ sức thanh toán nợ cho họ thì đó quả là một việc phúc đức đáng làm.
Nói tóm lại, hãy cố tạo sự thuận lợi an ổn cho người sắp ra đi, để họ khỏi bận tâm, nuối tiếc, dùng dằng. Nếu là người bịnh sắp mất, thân nhân hãy chờ lúc họ tỉnh táo hãy hỏi họ cặn kẻ những gì họ mong muốn, những gì họ căn dặn và hứa sẽ làm cho họ yên lòng. Dĩ nhiên lời hứa phải thành thật, không gian dối, dù cho việc đó có quá sức mình, không thể chu toàn được. Làm như vậy là giúp người sắp mất thanh thản ra đi một cách nhẹ nhàng. Nhờ đó mà vong linh sáng suốt, không bận tâm, không u buồn nên khỏi phải đi vào con đường lầm lạc của lục đạo.
6_ Trước mặt người sắp mất hãy làm những điều tốt lành như: Nhưng người trong gia đình bấy lâu nay xung khắc gây gỗ tranh cải nhau, thì khi đó đứng bên nhau hòa đồng vui vẻ để người sắp mất vui lòng. Tránh gây gỗ tranh cải với nhau. Người sắp lìa đời nằm đó nhưng tai nghe rõ hết, ngay cả khi họ nhắm mắt xuôi tay, thần trí họ vẫn còn hoạt động. Phải nhớ kỹ điều đó.
7_ Tránh khuyên răn người sắp mất tin theo một tôn giáo nào đó khác với tôn giáo mà họ đã theo. Làm như vậy tạo nên hoang mang tâm thức họ, khi đang đứng ở ngưỡng cửa của sự chết, khiến họ không biết bước vào cõi giới nào lúc đó. Chỉ ngoại trừ người sắp mất tự nguyện hay đề nghị mà thôi. Việc rước lễ, đọc kinh hay tụng kinh cũng nên theo ý muốn của người sắp mất, đừng ép uổng họ. Có người tới lúc cận kề sự chết họ mới mở tâm khai ngộ. Vào lúc ấy họ tin điều gì, mong ước gì là nên để họ tự ý, không nên tự mình đưa họ vào hoàn cảnh hay niềm tin mà họ không muốn.
8_ Những bà con, bạn bè tới thăm muốn gặp thì nhớ nhắc nhở họ đừng tỏ vẻ lo sợ về cái chết sắp đến, đừng nói lời tiếc thương u buồn mà phải tỏ ra tự nhiên xem cái chết là điều bình thường vì ai cũng trải qua cả. Đừng làm cho họ sợ, chán nản, lo lắng.
9_ Vấn đề dùng thuốc an thần: chỉ nên dùng khi bịnh nhân đang ở tình trạng đau bịnh nhưng chưa đi vào giai đoạn hấp hối. Dùng thuốc an thần để giúp giảm cơn đau đớn cho người bịnh những lúc đó mà thôi. Tuy nhiên, khi họ đi vào giai đoạn sắp thở hơi cuối cùng thì tốt nhứt là không nên.
Theo các Đại sư thì giờ phúc hấp hối rất quan trọng, nếu thần trí u tối, mê mờ, hoang mang vô định thì rất dễ lạc vào cõi giới tối tăm khốn khổ. Dùng thuốc an thần lúc hấp hối chính là khiến thần trí người đó mê mờ như kẻ mộng du, say rượu. Giây phút ra đi, tâm trí cần phải bình an, sáng suốt mới nhận thức đâu là nơi đáng tới, nơi không nên vào. Vì theo Phật giáo, khi chết bất cứ ai cũng phải vào một trong sáu cõi gọi là lục đạo. Chỉ ngoại trừ bậc tu hành đắc đạo, thanh cao là không bị đọa vào. Đó là theo nghiệp báo của họ gây ra khi còn sống mà thôi.
10_ Tại các bịnh viện thường có dụng cụ giựt điện giúp hồi sinh cho người bị ngất. Theo một bác sĩ thì vấn đề sử dụng loại điện giựt giúp hồi sinh này cần phải cẩn thận, nên dùng như trường hợp đứng tim chẳng hạn. Còn trường hợp chết vì ung thư hay bịnh không thể chữa khỏi thì không nên dùng là hơn. Nếu vì lý do thân nhân yêu cầu thì cũng nên hạn chế. Có khi vì muốn thấy mặt lần cuối hay nghe lời trăn trối sau cùng mà phải dùng tới dụng cụ này giúp người mới chết hồi sinh trong chốc lát thì quả là sai lầm.
_ Sai lầm thứ nhứt là làm người sắp lìa đời phải chịu đau đớn khủng khiếp, nếu chỉ vài phút hồi sinh rồi mất thì tâm trí người ấy đâu còn minh mẫn an bình nữa.
_ Sai lầm thứ hai: người ra đi phải đúng giờ giấc, không dùng dằng hay bị níu kéo. Giờ phút quan trọng đã tới mà lại làm cho họ "trễ chuyến đi" cũng gây hoang mang nghiệt ngã tâm hồn thì quả là vô vùng tai hại.

Chết trong khi được cầu nguyện là điều vạn hạnh.
Những bậc tu thường cho rằng: "Một người đang chú tâm cầu nguyện, đọc kinh, tụng kinh mà tự nhiên bị chết thì tâm linh người ấy đã được trong sáng, đã đi vào trong lời cầu nguyện nên họ chết trong an lạc.
Các bậc thầy kinh nghiệm về tu tập cho biết rằng: "lúc sắp qua đời nếu người sắp mất ấy cầu nguyện được tái sinh làm người với mục đích giúp đỡ kẻ khác, họ chú tâm cầu nguyện mãi như vậy cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, thì phần lớn người ấy sẽ tái sinh vào một kiếp người đầy hạnh phúc an vui. Do đó khi còn sống, hằng ngày ta cũng nên tâm niệm như vậy, ngay cả khi đi, đứng, nằm, ngồi hay làm việc. Tập quen như vậy rồi thì khi sắp lâm chung, ta sẽ quen với tâm niệm tốt lành ấy.

GIỮ BAO LÂU thân xác người mới mất?
Kinh nghiệm cổ xưa của một số nước như Trung hoa, Nhựt bản, Việt Nam và nhứt là Tây Tạng thì thời gian 3 ngày là thời gian cần thiết, không hơn không kém để giữ thân xác người mới qua đời cẩn thận trước khi chôn cất hay thiêu xác.
Trong 3 ngày ấy, không nên đụng tới thân xác nhứt là không nên thoa, xức, hay chích vào cơ thể người mới mất bất cứ thứ gì.
Theo các vị Sư thì:
Khi chết, thần thức rời khỏi thân xác qua một huyệt đạo nào đó trên thân xác nhứt là ở đỉnh đầu. Nếu đụng chạm hay chích vào da thịt lúc ấy thì thần thức có thể bị động nên có thể thoát ra từ một nơi nào gần chứ không từ đỉnh đầu. Mà thần thức một khi thoát ra bất ngờ và không đúng vị trí như vậy sẽ mang lại sự rủi ro, bất lợi cho lúc tái sanh. Vì vậy, khi đã biết chắc rằng người bịnh không thể nào qua khỏi thì nên yêu cầu bác sĩ gở bỏ những thứ y cụ trên người bịnh nhân nhứt là các kim chích ra khỏi cơ thể.

CHÔN hay THIÊU thân xác người mới mất?
Đối với người Tây Tạng, họ đã nghe các vị Lạt Ma giảng giải từ tấm bé rằng: thân xác của mỗi con người là vật tạm bợ như bộ áo quần để mặt mà thôi. Khi chết giống như cởi bỏ bộ quần áo cũ để đầu thai chuyển kiếp vào một sinh mệnh mới như mặc bộ đồ mới khác. Chỉ cần quan sát xác thân một người chết bên bờ bụi không ai thừa nhận, lâu ngày tan rả tỏa ra mùi hôi hám thì sẽ thấy rõ cái thân xác này chỉ tạm thời.
Do đó khi chết, người Tây Tạng thường hỏa táng xác chết. Cái thây người chết được xem như là biểu tượng của tất cả nghiệp ác. Nên khi thân xác bị lửa thiêu cháy thì những nghiệp ác tiêu tan và đồng thời phát ra ánh sáng rực rỡ. Câu thần chú giúp xóa tan nghiệp của người qua đời đang rực cháy trong lửa là: OM VAJRA SATTIVA HUM (ý nghĩa của câu chú là mong mỏi Thần KIM CƯƠNG TÁT HỎA chuyển hóa ác nghiệp). Ngoài ra có một câu chú khác giúp người chết không bị mê mờ u tối lạc vào sáu nẻo luân hồi. Câu chú đó là: A A HA SHA SA MA.
Theo niềm tin của đa số người Đông phương thì khi chết phần lớn người chết vẫn còn mơ hồ chưa biết là mình đã chết. Vì vậy họ thường quay trở lại nhà và sống như lúc đang còn sống, mặc dù người thân chẳng thấy chẳng biết có họ hiện diện. Có khi họ mượn tạm xác thân đã chết, hiện ra trong chốc lát mà người sống khi thấy hoảng sợ gọi là ma.
Kinh nghiệm dân gian cho thấy ở những nơi xảy ra tai nạn chết người. Hồn người chết thường hiện ra với bộ quần áo họ mặc lúc bị nạn. Vì lý do đó mà khi chết nên thiêu xác để người chết không thể mượn xác thân mình để hiện ra nữa hoặc không còn quyến luyến cái thân xác cũ nữa.
Một số nhà Sư còn cho rằng: khi chết thân xác sẽ lần lần tan rả, dù đem chôn lâu ngày xác thân cũng bị các loài vi sinh vật đục khoét biến dạng rất ghê rợn. Do đó chỉ có thiêu xác là tránh được nhiều điều không hay.
Người Âu Mỹ trước đây không nghĩ tới vấn đề thiêu xác khi chết, nhưng ngày nay nhiều người đã nhận thấy ít nhứt về mặt vệ sinh thì việc thiêu xác tốt lành thuận lợi hơn chôn cất rất nhiều. Việc duy trì bảo quản hoặc phải di chuyển cũng dễ dàng, ít tốn kém.
Mới đây, trong năm 1999 Kennedy Jr, vợ và chị vợ chết vì tai nạn phi cơ đã hỏa thiêu theo truyền thống Phật giáo và công chúa Margaret (Anh quốc) cũng yêu cầu được thiêu xác, chớ không chôn khi bà mất vào năm 71 tuổi.
Dù người thân qua đời, ta thương và quí đến mấy cũng không thể chôn cất trong vườn nhà để được gần gủi. Nếu là tro cốt của họ, cũng không đặt thờ trong nhà. Tốt nhứt là đem thờ ở Chùa hay Nhà thờ hoặc chôn cất làm mộ bình thường. Khoảng 5 năm sau tro cốt được thờ nên đem rải trên biển là tốt nhứt.
Một Đại sư đã từng thuyết giảng rằng: "Muốn vơi đi thật nhiều nỗi đau thương về người thân đã mất thì không gì tốt hơn là hãy tiếp tục thực hiện những gì mà khi sống người ấy mong ước hay còn làm dang dở chưa xong. Ngay cả những lầm lỗi mà lúc sống họ đã gây ra, ta cũng nên tha thứ... cũng như những gì mình làm họ đau khồ thiệt hại thì cũng phải ăn năn."

Khi chết KHÔNG MANG THEO ĐƯỢC GÌ !
Người giàu có sống trên của cải nhưng khi họ chết đi, hay tay buông xuôi thì họ trở thành tay trắng vì không mang theo được gì, dù một chút của cải vật chất. Sự kiện thực tế ấy có từ lúc con người xuất hiện trên trái đất cho đến ngày nay. Ai cũng đều thấy rõ, không ai chối cải. Vậy mà từ xưa tới nay có biết bao người quyết chí làm giàu, lúc nào cũng mong tiền bạc đến với mình không dứt. Họ sống vì tiền, vui thú vì lo thu nhặt tiền bạc vào cho đầy túi, nhưng bao giờ chấm dứt được cái ham muốn ấy vì lòng tham quá mức. Đến khi xuôi tay thì tất cả tiền bạc của cải ấy đều để lại thế gian, còn họ thì nằm xuôi tay dưới lòng đất lạnh.

SÁM HỐI, THA THỨ
Người giàu cũng như người nghèo, khi chết hai tay buông xuôi, không mang theo được gì. Cái mang theo thật sự là cái Nghiệp. Vì vậy đôi khi sau khi chết, người giàu không chắc gì sung sướng hơn người nghèo hèn. Lý do là: có người lúc sống nghèo nàn, họ sống với thiện tâm không làm gì sai quấy, gây điều tội lỗi. Còn có người sống rất giàu có, nhưng gian ác bất lương thì nghiệp dữ đó sẽ làm họ khổ sở ở đời sau.
Có biết bao nhà triệu phú, tỷ phú sống trên của cải, có người hằng chục tỷ mỹ kim, khi chết không mang theo được một xu nhỏ. Ngay khi đang làm giàu họ luôn luôn phải phấn đấu, tranh dành, mưu lược để chống chọi với những gì bất lợi đến với mình. Do đó tâm hồn những người giàu thường bất an, hồi hộp, lo lắng... không những vậy họ thường keo kiệp không dám giúp đỡ ai vì sợ số tiền có được bị hao hụt. Có người, ngay chính bản thân họ cũng không dám ăn xài huống hồ là nói đến giúp đỡ kẻ khác. Ngày nay có nhiều đại phú gia, nhiều người giàu có, tất cả đều bị như vậy, nhưng không biết mình như vậy. Đôi khi họ còn chê cười phê bình chỉ trích người khác keo kiệt hà tiện. Cái mê mờ u tối ấy đã từng bao phủ biết bao người, khiến họ không thoát ra được để thấy cái ánh sáng vi diệu của sự giúp đỡ kẻ khác.
Phần đông những người giàu có, họ lại càng có Cái Tâm Tiếc Rẻ. Lý do là vì lòng tham con người quá lớn, có rồi lại muốn có thêm nữa.
Nhiều người lại nghĩ sai, khi cho rằng bố thí là việc làm của kẻ giàu, tiền bạc ít ỏi làm sao có đủ để bố thí giúp đỡ ai! Nghĩ như vậy là sai vì giúp không phải là bắt buộc phải nhiều "CỦA ÍT LÒNG NHIỀU" là câu nói của cổ nhân từ xưa nhắc nhở, cho thấy CỦA CHO QUAN TRỌNG LÀ Ở TẤM LÒNG.

Những người thường hay gây hấn hay làm phiền kẻ khác luôn luôn bất an, không những lúc thức mà cả khi ngủ và nằm mơ. Trái lại nếu sống an hòa vui vẻ với mọi người thì bạn sẽ thảnh thơi hạnh phúc suốt đời...
(Đức Đạt Lai Đạt Ma đời thứ 14)
Càng ngày con người càng tin vào Luật NHÂN QUẢ và ngay cả khoa học cũng đang tiến dần vào việc xác nhận sự kiện này. Riêng tôi, tôi tin vào Luật Nhân Quả.
(Albert Einstein)

Đoàn Văn Thông


Xem thêm Đọc và suy ngẫm Kim Long sưu tầm

No comments:

Post a Comment

*********************************************************
Cảm ơn bạn đã ghé kimlong9999.blogspot.com
Bạn có yêu cầu hay ý kiến gì không?
Bạn vui lòng để lại đôi lời nhận xét để trang
ngày càng hoàn chỉnh hơn.

NHẬN XÉT SẼ CHƯA ĐƯỢC ĐĂNG NGAY !

Nếu không thích hiển thị TÊN
thì hảy chọn hồ sơ Anonymous "Ẩn danh"
rồi nhấn "Đăng nhận xét".
Nhấn thêm lần nửa nếu có thông tin báo lỗi.
KimLong9999 chúc bạn một ngày thật đẹp và vui vẻ.
*********************************************************
Thank you for your visit and welcome to our blog!
Take a moment and look around.
Let us know what you think about this blog by leaving a comment.
YOUR COMMENT NEEDS TO BE APPROVED
BEFORE IT WILL APPEAR.
THANKS EVERYONE FOR PATIENTS.
Have a nice day.
* KimLong9999 *
*********************************************************
Vielen Dank für den Besuch!
Sie können Ihre Kommentare und Anregungen hier hinterlassen.
DIE KOMMENTARE WERDEN MODERIERT
und WERDEN NICHT SOFORT ANGEZEIGT.
Bitte haben Sie etwas Geduld!
Einen schönen Tag noch...
* Bạch Kim *
*********************************************************
Merci pour votre visite!
Vous pouvez laisser vos commentaires et suggestions ici.
LES COMMENTAIRE DOIT ÊTRE APPROUVÉ AVANT D'ÊTRE AFFICHÉ.
Je vous remercie beaucoup pour votre patience!
Bonne journée.
* KimLong9999 *
*********************************************************
ご訪問ありがとうございます!
ここにあなたはあなたのコメントや提案を残すことができます。
コメントはすぐには表示されません。
辛抱してくれてありがとう。
良い一日を!
*********************************************************

Kim Bạch Kim 鉑 Thơ Đường Luật Chuyện ngắn sáng tác Chuyện vui Đố vui Phong Thủy Tin Tức

Danh Mục kimlong9999.blogspot.com

Lịch ngày Ta Phong Thủy 3 Toa Thuốc, Rượu Bổ Dương: Thốc Kê Hoàn, Thần Tiên Tửu, Thung dung Xà Sàng Tửu Trúng Số Độc Đắc Khui Luôn Jackpot Lời Than Theo Gió Nấu Ăn Kiều đoạn cuối Đố vui Video Hài Architecture Tình Sử Huyền Trân Chế Mân Tên Giang Hồ Tóm Tắt Nội Dung Một Số Phim Hay herald sun news Phim List Nhạc Việt newsweek Vị Trí Mụt Ruồi và Tướng Số Thơ Sưu Tầm Truyện Kiều đoạn đầu abc news daily mail news Tin Tức - Kiến Thức Đàn Ông Thua Chó Chuyện Vui Máy Mắt Đoán Điềm Chuyện Ngắn Kim Bạch Kim Đoạn Trường Tương Tư Anh Hùng Việt English Số Đề Korea Music Nguyễn An Kiến Trúc Sư Tài Ba Xây Tử Cấm Thành Trung Quốc Đọc và Suy Ngẫm cnn news Đồng tình luyến ái của các Hoàng đế trong lịch sử tàu Trăng thề vườn Thúy ** Phận Kiều ♥ Đường Luật Kim Bạch Kim ♥ Chung Một Mái Nhà Đoán Số Mệnh Pha Lê & Thủy Tinh Tiếng Việt Nam Bắc Con Gái Ba Miền Bắc Trung Nam Truyền Thuyết Quỳnh Hương Phụ Nữ Việt Nam Đáng Được Khâm Phục Những Món Ăn Kinh Khủng Nhứt Thế Giới Ý Nghĩa của Kim Bạch Kim - khác biệt giữa Vàng - Vàng Trắng - Bạch Kim Quang Trung Nguyễn Huệ Đại Phá Quân Thanh Cúm Heo Thuốc Ngừa và Thuốc Trị Vi Khuẩn H1N1 Tri Kỷ Chơi Cờ Uống Rượu Ý Nghĩa của Biểu tượng chính thức trang http://kimlong9999..blogspot.com Nguyệt Đùa Bạn Heo Vài Món Ăn Đặc Biệt Miền Nam - Trung - Bắc Việt Nam 21.12.2012 Ngày Tận Thế? Kim Cương & Hột Xoàn

Popular Posts

this is a Non-Profit non-commercial website Trang không vụ lợi không buôn bán Không Quảng Cáo